Multimedia Đọc Báo in

Buôn làng bình yên nhờ… "luật tục"

08:48, 28/04/2017

Cùng với việc chấp hành các quy định pháp luật, nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy giá trị của “luật tục”, hương ước, quy ước trong đời sống hằng ngày để gìn giữ an ninh trật tự, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở.

Giữ rừng bằng “luật tục”

Từ bao đời nay, người dân K’mrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) luôn ý thức quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn trong buôn một cách nghiêm ngặt theo “luật tục” của buôn. Rừng nơi đây không chỉ có chức năng phòng hộ, là “lá chắn” vững chắc bảo vệ buôn làng bình yên trước mưa lũ, sạt lở đất, mà còn giúp cho mạch nguồn bến nước luôn dồi dào để bà con trong buôn sinh hoạt; phục vụ tưới cho hơn 1.000 ha đất sản suất nông nghiệp của xã Ea Tu.

Ông Y Wih Êban, trưởng buôn K’mrơng Prông B cho hay, với người dân nơi đây, rừng như báu vật, là vị thần thiêng liêng. Vậy nên việc bảo vệ rừng đã trở thành trách nhiệm của từng người con của buôn làng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người dân luôn ý thức thực hiện nghiêm những quy định đã được xem như là “luật tục”: Không được mang lửa vào rừng; không chặt, phá cây rừng làm nương rẫy; cấm đóng cọc vào cây, cấm trèo lên cây, bẻ trái, hái lá cây rừng… Nếu người nào vi phạm sẽ bị dân làng phạt rất nặng.

Rừng  đầu nguồn buôn K'mrơng Prông B  (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột)  vẫn còn giữ được nét nguyên sinh  với nhiều  cây cổ thụ.
Rừng đầu nguồn buôn K'mrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn còn giữ được nét nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ.

Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, có một người trong buôn trót cưa một cây gỗ về làm bàn ghế. Người này sau đó đã bị người dân trong buôn bắt nộp lại cây đã cưa và đền 2 con heo, 2 ché rượu cần đưa ra bến nước trong rừng để làm lễ cúng xin các thần linh của rừng tha tội dưới sự chứng kiến của người dân trong buôn.

Nhờ vận dụng nghiêm khắc “luật tục” vào việc giữ rừng mà đến nay, khu rừng đầu nguồn buôn K’mrơng Prông B (rộng 0,5 ha) vẫn còn giữ được dáng vẻ nguyên sinh, nhiều cây gỗ quý như sao xanh, bằng lăng, cà chít… có đường kính thân cả 2- 3 vòng tay người ôm vẫn còn tồn tại xanh tốt.

Buôn không có người sinh con thứ 3

Buôn Brah (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) có 65 hộ với gần 400 nhân khẩu đều là người dân tộc Êđê (trong đó có khoảng 30 cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh đẻ). Những năm trước, do người dân còn giữ tư tưởng lạc hậu “đông con hơn đông của” nên hầu như gia đình nào cũng có từ 3 con trở lên, vì vậy, cái nghèo đói cứ đeo bám mãi. Trước thực tế đó, chi bộ buôn Brah đã  xác định công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, chi bộ đã xây dựng nghị quyết và quán triệt các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện công tác DS-KHHGĐ, đồng thời tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân… Cùng với nghị quyết của chi bộ, từ năm 2013 người dân trong buôn đã thống nhất đưa nội dung DS-KHHGĐ vào quy ước chung của buôn: Mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh từ 1 đến 2 con; không phân biệt đối xử con trai hay con gái; không tảo hôn; không sinh dày... Gia đình nào vi phạm sẽ bị đưa ra cuộc họp dân để kiểm điểm, viết cam kết không tái phạm và còn bị dân làng chê cười...

Ông Y Thăn Hwing, Bí thư chi bộ, già làng buôn Brah phấn khởi cho biết, nhờ thực hiện nghiêm túc quy ước nên nhiều năm nay buôn Brah không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên; trên 80% số hộ trong buôn được công nhận Gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm trên 3,2%, 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học…

Giữ vững an ninh trật tự

Hương ước của buôn Hồ B (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) do các vị già làng, trưởng buôn xây dựng và được người dân bàn bạc góp ý sửa đổi bổ sung phù hợp qua nhiều thế hệ. Theo già làng Y Ă Mlô, đây là “bộ luật của buôn làng” do chính người dân lập ra dựa trên cơ sở của pháp luật nên bà con đều đồng lòng tuân thủ nghiêm túc. Đây không phải là luật nên ban tự quản buôn không bắt bớ, không phạt tiền mà chỉ xử lý nội bộ, lấy giáo dục là chính. Nếu vi phạm nhiều sẽ bị dân làng chê cười, cách ly… Nhờ vậy mà nhiều năm nay, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong buôn được giữ vững. Buôn đã cơ bản bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan;  người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Để cùng nhau thực hiện các nội dung trong hương ước, già làng Y Ă Mlô cùng ban tự quản buôn đều đặn duy trì tổ chức sinh hoạt với nhân dân, cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề ra cách giải quyết. Hễ nghe ở đâu trong buôn có gia đình hay cá nhân nào xích mích, những biểu hiện mất đoàn kết thì lập tức già làng đến tận nơi khuyên răn, hòa giải, yêu cầu ký cam kết không tái phạm; nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm quy định của hương ước. Nhờ đó, phần lớn các vụ gây mất trật tự hay đơn thư khiếu nại tố cáo đều được giải quyết ổn thỏa ngay tại buôn. 

Hương ước là bản pháp lý tự quản của các buôn, làng trong khuôn khổ những quy định cho phép của pháp luật Việt Nam, nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong xã hội, cộng đồng. Theo thống kê của Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.343 thôn buôn đã xây dựng và ban hành hương ước, đạt 95%.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.