Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một nữ cán bộ tự quản

14:57, 15/10/2017

Đến buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, hỏi chị H'Juen Knul, người dân ở đây ai cũng biết.

Năm nay mới 48 tuổi, nhưng chị H'Juen đã có gần 20 năm vừa làm công tác dân số, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Phó Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm xã Ea Tiêu. Đến đầu năm 2016, chị được bà con tín nhiệm làm Phó Ban tự quản buôn Kram. Hầu như ở vị trí công tác nào, chị cũng luôn hoàn thành tốt trách nhiệm, được bà con tin yêu. Trong căn nhà đang được xây dựng, anh Y Ner Knul đã bày tỏ sự biết ơn của mình với người Phó ban tự quản. Anh cho hay, được xây căn nhà này, công của chị H'Juen rất lớn. Chị là người thuyết phục Ngân hàng Chính sách xã hội cho anh vay tiền, vận động bà con góp công sức giúp đỡ và trên hết, nhờ có chị H'Juen “chống lưng” về mặt tinh thần nên vợ chồng anh mới mạnh dạn làm căn nhà mới thay thế ngôi nhà cũ dột nát...

Chị H'Juen Knul thăm công trình xây dựng nhà của anh Y Ner Knul.
Chị H'Juen Knul thăm công trình xây dựng nhà của anh Y Ner Knul.

Không chỉ gần gũi, chân thành với bà con, chị H'Juen còn là người hết mình với công việc. Chị cho hay, trước đây khi chưa tách huyện, mỗi khi huyện Krông Ana mở lớp dạy nghề dệt truyền thống, chị lại có mặt đều đặn mỗi tuần 3 ngày để truyền dạy cho chị em. Nhiều hôm chị còn tự nguyện ở lại buổi đêm để dạy thêm cách dệt hoa văn nâng cao, giúp chị em vững tay nghề để tự tin nhận làm những sản phẩm thổ cẩm khó. Hiện nay do bận rộn công việc, chị không dạy nghề nữa, nhưng khi có khách đặt hàng, chị lại đích thân nhận, dăng khung dệt và hướng dẫn cho các chị em trong buôn làm để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Chi hội Phụ nữ buôn Kram có  229 hội viên, gần 500 phụ nữ rộng rãi (từ 18 tuổi trở lên) ai cũng biết dệt thổ cẩm truyền thống, một phần công lớn nhờ sự chỉ bảo của chị H'Juen. Hay như chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chị cũng là một trong những người tâm huyết, đi đầu và có cách làm độc đáo. Nhận thức rõ việc muốn bà con làm theo, không chỉ bằng lời nói mà phải từ hành động, thế là chị bắt đầu truyền dạy và hun đúc niềm đam mê văn hóa dân gian từ những đứa con của mình. Thế nên cả 3 cô con gái đang là giáo viên mầm non và người con trai thứ 3 dù đang xuất khẩu lao động tại Malaysia, nhưng đứa nào cũng rành dệt thổ cẩm, điêu luyện trong từng điệu múa, nhịp chiêng của đồng bào Êđê. Thấy các con của chị H'Juen đánh chiêng, múa hát vừa vui lại được đi biểu diễn nhiều nơi, nên thanh niên trong buôn lại theo học.

Nặng lòng với công tác xã hội, dù mất nhiều thời gian, chế độ phụ cấp lại thấp, nhưng chưa khi nào chị thấy nản lòng. Vì với chị, đây là công việc tự nguyện, mang lại cho chị niềm vui. Ghi nhận nỗ lực của chị, Bộ Y tế đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số; nhiều cấp, ngành tặng giấy khen và những phần thưởng cao quý khác. Chị bảo: “Giờ mình làm không phải vì phần thưởng nữa, chỉ mong sao hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bà con tin yêu thế là vui lắm rồi”.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.