Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk triển khai tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ

09:42, 24/10/2017

Được xác định là địa phương có nguy cơ cao về bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) B, từ cuối tháng 8-2017 đến nay, huyện Lắk đã triển khai tiêm bổ sung vắc xin VNNB B cho trẻ từ 6-15 tuổi.

Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Liên Sơn tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho học sinh Trường THPT huyện Lắk.
Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Liên Sơn tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho học sinh Trường THPT huyện Lắk.

VNNB B là một trong những bệnh phổ biến nhất trong số các nguyên nhân gây viêm não vi rút tại Việt Nam. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi chưa có miễn dịch, do vi rút VNNB B gây nên và lây truyền qua muỗi đốt. Bệnh có tỷ lệ di chứng và tử vong cao ngay cả khi được điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, từ năm 1997, vắc xin VNNB B được đưa vào triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ từ 1-5 tuổi ở một số huyện nguy cơ xảy ra bệnh. Tại huyện Lắk, vắc xin VNNB B được đưa vào TCMR từ năm 2009 cho trẻ 1-5 tuổi và được triển khai mỗi năm 1 đợt chiến dịch; năm 2015, vắc xin VNNB B bắt đầu được đưa vào tiêm chủng thường xuyên hằng tháng. Nhờ vậy, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong năm 2015 trên địa bàn huyện ghi nhận 3 ổ dịch quy mô nhỏ với 3 trường hợp mắc bệnh tại xã Ea R’bin, Đắk Phơi và Đắk Nuê, chủ yếu gặp ở nhóm trẻ lớn chưa tiêm vắc xin VNNB B hoặc tiêm chưa đủ mũi, trong đó, có 1 ca tử vong.

Huyện Lắk là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi để bệnh VNNB B xuất hiện, với mật độ muỗi culex được ghi nhận rất cao, đặc biệt là tỷ lệ tiêm phòng vắc xin VNNB B cho trẻ em trên toàn huyện còn thấp nên việc tiêm bổ sung vắc xin là rất cần thiết. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 12.000 trẻ trong độ tuổi từ 6-15, trong đó, có trên 8.300 trẻ cần tiêm bổ sung vắc xin VNNB B trong đợt này gồm: học sinh khối Tiểu học 3.376 trẻ; THCS 3.238 trẻ; THPT 709 trẻ và tại cộng đồng 1.032 trẻ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch VNNB B tại vùng có nguy cơ, từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10-2017, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các trường học, trạm y tế các xã, thị trấn tổ chức tiêm bổ sung cho trẻ từ 6-15 tuổi (sinh từ tháng 9-2002 đến 9-2011) chưa được tiêm đủ 3 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin VNNB B theo danh sách đối tượng điều tra.

Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Liên Sơn tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho học sinh Trường THPT huyện Lắk.
Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Liên Sơn tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho học sinh Trường THPT huyện Lắk.

Để công tác tiêm vắc xin đạt hiệu quả, trạm y tế các địa bàn phối hợp với y tế thôn, buôn và nhà trường thực hiện gửi giấy mời cho từng đối tượng hoặc phụ huynh học sinh trước khi tiêm từ 3 - 5 ngày, ghi rõ ngày, giờ, địa điểm tiêm. Cùng với đó, trong quá trình tiêm vắc xin VNNB B, các cơ sở y tế cũng thông báo hoãn tiêm đối với những trẻ đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh; đặc biệt có phản ứng mạnh với vắc xin có thành phần sởi, rubella ở lần tiêm chủng trước.

Bác sĩ Trần Minh Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh – HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Lắk) cho biết, sau khoảng 20 ngày triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin VNNB B tại địa phương, đã có hơn 95% trường hợp được tiêm chủng, cao hơn so với mục tiêu đề ra. Đạt được kết quả này là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, phụ huynh và các trạm y tế. Trong đó, phải ghi nhận sự nỗ lực tại một số trạm y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện như Ea R’bin, Nam Ka, Krông Nô…, cán bộ, nhân viên y tế đã làm việc ngày đêm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng đối với số trẻ vãng lai.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.