Multimedia Đọc Báo in

Chuyện buồn về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

08:04, 15/12/2017

Vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã và đang tồn tại trong một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, dù chính quyền và các ban, ngành liên quan đã nỗ lực tuyên truyền nhằm giảm thiểu, ngăn chặn nhưng đến nay thực trạng này vẫn xảy ra dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 915 cặp vợ chồng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống (hầu hết đều là người DTTS), tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Bông, Lắk, Ea Kar, Krông Ana…

Bà H’Long Ding (dân tộc M’nông) ở buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk cho biết, trong dòng họ của bà có nhiều người cùng huyết thống lấy nhau. Theo tập tục, quan niệm của ông bà xưa, cùng dòng họ lấy nhau để thừa kế tài sản, giữ của cải không bị chia sẻ cho người ở dòng họ khác và là anh em thì sẽ thương nhau hơn người ngoài. Vậy nên bà H’Long cũng cho con gái mình là H’El Long Dinh kết hôn với anh con bác ruột. Hiện họ đã có con trai hơn 2 tuổi.

Nói về tình trạng này, chị H’Đhim Liêng Hót, cộng tác viên dân số buôn Pai Ar thở dài: “Những năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các hội, đoàn thể của địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động, giải thích về pháp luật, cũng như hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhưng nhiều hộ người DTTS vẫn không nghe”.

       Do tảo hôn và sinh đông con nên hoàn cảnh  gia đình  chị Lý Thị Khu  ở thôn 14  (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) rất khó khăn.  Ảnh: Q. Anh
Do tảo hôn và sinh đông con nên hoàn cảnh gia đình chị Lý Thị Khu ở thôn 14 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) rất khó khăn. Ảnh: Q. Anh

Đối với một số buôn đồng bào DTTS ở xã Đắk Liêng (huyện Lắk), chuyện con cô - con cậu, con chú - con bác lấy nhau cũng khá phổ biến. Điển hình như cuộc hôn nhân giữa Y Lương Pang Sưk và H’Ninh Nơm ở buôn Ranh B (mẹ Y Lương là em gái ruột của bố H’Ninh). Vợ chồng Y Lương không biết rằng cuộc hôn nhân cận huyết thống của mình chính là nguyên nhân khiến con trai đầu lòng bị dị tật bẩm sinh khoèo chân phải ngồi một chỗ và đứa con gái thứ hai mới 6 tháng tuổi đã qua đời do bệnh bại não.

Không chỉ có những câu chuyện buồn về hôn nhân cận huyết thống, thực trạng tảo hôn cũng đang là vấn đề đáng báo động hiện nay. Không riêng gì ở vùng sâu vùng xa, mà ngay tại địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn có nhiều trường hợp tảo hôn. Ông Y Chung Ênuôl, Trưởng buôn Ea Bông (xã Cư Êbur) cho biết, năm 2016, trong buôn có trường hợp cháu H’Yang Êban mới 17 tuổi, đang học lớp 11 đã bỏ giữa chừng để cưới chồng là Y Loa Êban 21 tuổi. Do ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên hai cháu còn khá ham chơi, hay xảy ra mâu thuẫn, chưa biết quan tâm đến việc xây dựng kinh tế, cuộc sống gia đình. Đến nay, cả hai vẫn chưa có con và chưa đăng ký kết hôn.Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, những năm gần đây tình trạng tảo hôn vẫn thường xảy ra trên địa bàn. Hậu quả của tình trạng tảo hôn rõ nhất là việc học sinh bỏ học; không bảo đảm sức khỏe sinh sản; trẻ sơ sinh thường chậm phát triển cả về trí tuệ và thể trạng; địa phương khó làm giấy khai sinh bởi bố hoặc mẹ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn…

Thực trạng tảo hôn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân ở làng Mông, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) càng thêm nghèo khó.
Thực trạng tảo hôn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân ở làng Mông, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) càng thêm nghèo khó.

Bác sỹ H’Lê Niê, Trưởng Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho biết, năm 2009, Đắk Lắk được chọn thực hiện thí điểm mô hình “Can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” tại 4 xã được xem là điểm nóng trên địa bàn 2 huyện Lắk và Krông Pắc. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 39 xã/8 huyện trong tỉnh. Thông qua mô hình, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề với người dân; tuyên truyền trên hệ thống thông tin, truyền thanh xã; lồng ghép với các hoạt động chuyên môn khác của ngành và phong trào văn hóa, xã hội của địa phương; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS… Nhờ đó, số trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phát sinh mới hằng năm đã giảm dần. Tuy nhiên để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên vẫn còn là lộ trình dài hơi.

Lê Quốc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.