Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh vượt khó, chiến thắng đói nghèo

10:50, 25/12/2017

Rời quân ngũ trở về, đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vượt khó vươn lên chiến thắng đói nghèo.     

Nhập ngũ năm 1973, cựu chiến binh Hà Văn Hiếm (dân tộc Mường) từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) và bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Ông rời quân ngũ năm 1978 và lập gia đình. Di chứng của chất độc da cam hiển hiện trên những đứa con mất khi chưa đủ  hình hài; những đứa con còn sống thì hoặc là tính khí thất thường hoặc là bị bệnh tim.

Năm 2003, gia đình ông Hiếm vào lập nghiệp tại thôn Bhung Knung, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Bản thân và các con thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn; luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau phải vay mượn khắp nơi. Với số vốn ít ỏi tích cóp, ông mua được mấy sào đất xấu, bị nhiễm phèn chỉ làm được 2 sào ruộng. Hằng ngày, ông cùng vợ đi làm thuê để kiếm sống qua ngày.

Cựu chiến binh Hà Văn Hiếm trước ngôi nhà Tình nghĩa.
Cựu chiến binh Hà Văn Hiếm trước ngôi nhà Tình nghĩa.

Năm 2013, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông tặng một cặp bò cái trị giá 23,5 triệu đồng. Đến năm 2014, được Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, UBND xã Cư Pui hỗ trợ 22 triệu đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin xã Cư Pui cho mượn 5 triệu đồng, ông đã xây dựng được ngôi nhà mới thay thế căn nhà cũ tạm bợ. Nhờ chăm sóc tốt, hai con bò cái mỗi năm đẻ được hai con bê, ông giữ lại bò mẹ làm giống, bán bò con để trang trải cuộc sống. Ông còn mượn thêm vốn của ngân hàng để mua thêm một con bò cái. Tính đến nay ông đã bán 8 con bò. Số tiền đó ông mua thêm được hơn 2 ha đất để sản xuất, đào được một hồ nuôi cá rộng gần 2.000 m2. Ông còn nuôi thêm gà, vịt, trồng rau để cải thiện. Ông cho biết: “Hồ cá mỗi năm thu được hơn chục triệu đồng; 2 sào ruộng nếu được mùa cũng đủ gạo ăn; hơn 2 ha đất trồng sắn năm nay cũng cho thu hoạch vụ đầu. Cuộc sống gia đình giờ đã đỡ vất vả”.   

Với quyết tâm, ý chí, nghị lực vượt khó của mình, những cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã góp phần tô thắm hơn vẻ đẹp của những người lính trong thời bình, giúp gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ năm 2016, gia đình cựu chiến binh Hà Văn Hiếm đã không còn trong diện hộ nghèo. Ông đã vượt qua nỗi đau về thể xác, cùng với vợ con tích cực lao động sản xuất, tiết kiệm để ổn định cuộc sống. Vui hơn nữa là ba cô con gái cũng đã có gia đình riêng. Ông Hiếm tâm sự: “Vợ chồng tôi cố gắng lao động, tiết kiệm tiền trả nợ ngân hàng và chăm sóc cậu con trai lớn bị di chứng chất độc da cam”.

Quê ở tỉnh Hải Dương, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, năm 2008 cựu chiến binh Nguyễn Văn Sam vào xã Cư Króa (huyện M’Đrắk) lập nghiệp.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sam với mô hình nuôi ếch của gia đình.  				                                   Ảnh: T.Diệp
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sam với mô hình nuôi ếch của gia đình. 

Những ngày đầu trên quê hương mới, anh gặp rất nhiều vất vả, khó khăn, chưa quen với thổ nhưỡng, khí hậu cũng như chưa nắm bắt được kỹ thuật sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, với bản chất cần cù chịu khó của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, anh Sam đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, bò và khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Gia đình anh còn tích cực thử nghiệm một số mô hình nuôi trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi ếch, với trên 2.000 con, thường xuyên cung cấp cho các nhà hàng và địa phương lân cận. Đến nay, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Sam đã xây dựng được một mô hình kinh tế tổng hợp mỗi năm cho thu nhập ổn định gần 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Sam còn hỗ trợ các con xây dựng một trang trại chăn nuôi diện tích 2 ha với trên 50 con bò sinh sản cho thu nhập kinh tế cao.

Tùng Lâm - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.