Multimedia Đọc Báo in

Từ thiện thật, trao... tiền ảo!

09:55, 06/12/2017

Những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh phong trào làm từ thiện qua mạng xã hội nổi lên rộng khắp. Không thể phủ nhận đây là những hành động, nghĩa cử cao đẹp và hết sức nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn. Tuy nhiên cũng có không ít người lợi dụng việc kêu gọi làm từ thiện để trục lợi.

Những ngày qua, cư dân mạng facebook (F) rất phẫn nộ với hành động của một người có tên T.N.T chủ trang Thanh Huế đã chiếm dụng số tiền của các nhóm từ thiện gửi trao cho một nạn nhân có hoàn cảnh hiểm nghèo. Cụ thể, vào tháng 3-2017, trong lúc trèo hái vú sữa, cháu Y Kát Niê (8 tuổi, trú tại số 29, thôn Kbur, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) bị ngã dập phổi và chấn thương sọ não nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Sự việc được chia sẻ lên mạng xã hội và các nhóm từ thiện đã kêu gọi ủng hộ, rồi giao cho chủ trang Thanh Huế trao cho cháu Y Kát. Chủ trang F này đã dùng thủ đoạn hết sức tinh vi là công khai số tiền 19,2 triệu đồng của các nhóm từ thiện kêu gọi được và cả số tiền lớn (hơn 100 triệu đồng) mà bạn đọc Báo Dân trí ủng hộ (phóng viên báo đã đến tận nhà trao) công bố trên F của mình, để nhiều người nhầm tưởng rằng đó là do uy tín của mình kêu gọi mới có được. Tuy nhiên, sau đó bà T.N.T đã không trao số tiền 19,2 triệu đồng cho gia đình em Y Kát. Bố Y Kát là ông Y Kbôt Bkrông xác nhận: “Có một cô tên T.N.T đến nhà hứa hẹn hỗ trợ xây nhà, xây chuồng bò, mua bò cho gia đình nhưng nhà đã xây, chuồng bò cũng đã xong… mà đến nay gia đình vẫn không nhận được gì từ cô ấy. Tiền công thợ vẫn còn nợ hơn 10 triệu đồng. Trong khi con tôi Y Kát vẫn nằm liệt một chỗ chưa biết sống chết lúc nào… Gia đình đã có đơn trình báo lên cơ quan chức năng”.

Hoàn cảnh của em Y Kát Niê.
Hoàn cảnh của em Y Kát Niê.

Khi bị các nhóm từ thiện chỉ trích, chủ trang F này đã xác nhận là có nhận số tiền là 19,2 triệu đồng của các nhóm (chưa kể số tiền trang F này tự  kêu gọi), nhưng chưa trao, vì nếu trao thì sẽ hết vốn làm ăn; rồi hứa hẹn sẽ trao sau. Đến khi không đừng được nữa thì lấy lý do chữa bệnh cho mẹ, cứu con bệnh nặng … Cuối cùng là cắt liên lạc!

Anh Hoàng Công Minh, thuộc câu lạc bộ hiến máu nhân đạo Đại học Tây Nguyên cho biết: “Trước đây, bà T.N.T trưởng nhóm thiện nguyện "Sức trẻ Tây Nguyên" sau một hai năm hoạt động đã bị các thành viên tố cáo mờ ám về thu chi, cũng như có hiện tượng mua bán máu sống (kêu gọi các tình nguyện viên đến hiến máu, nhưng sau đó lại thu tiền của gia đình)… Nhóm "Sức trẻ Tây Nguyên" tan rã, bà T.N.T lập trang khác lấy tên Thanh Huế, rồi tiếp tục đứng chính tên mình là T.N.T để kêu gọi từ thiện. Ngay sau khi các nhóm từ thiện phản ánh T.N.T chiếm dụng tiền hỗ trợ, tôi đã nhiều lần gọi điện trực tiếp và viết bài trên F nhưng bà ấy cứ hứa hẹn, rồi khóa điện thoại luôn”.

Rõ ràng, hoạt động thiện nguyện qua mạng xã hội trên địa bàn tỉnh đã có những dấu hiệu không bình thường. Rất mong các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý hoạt động của các nhóm từ thiện, cũng như điều tra xác minh, kịp thời ngăn chặn những tổ chức, cá nhân lợi dụng từ thiện để trục lợi. 

Nhất Vương - Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.