Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi nghề lao động

08:03, 31/01/2018

Thông qua chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn sản xuất, nhiều phụ nữ trên địa bàn phường Thành Nhất và xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đã chuyển đổi từ nghề nhặt rác độc hại sang chăn nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế.

Từ hàng chục năm nay, bãi rác Cư Êbur (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành nơi “kiếm cơm” của nhiều người dân ở xã Cư Êbur và phường Thành Nhất. Dẫu biết rằng, hằng ngày phải đào bới, nhặt nhạnh phế liệu trong những đống rác cao ngất ngưỡng khiến họ phải đối mặt với không ít nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ đành chấp nhận. Do đó, khi nghe thông tin đầu năm 2019, bãi rác sẽ đóng cửa, rất nhiều người canh cánh nỗi lo về công việc, cuộc sống sau này. Để trao sinh kế, giúp chị em ổn định cuộc sống, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã quyết định hỗ trợ học nghề và vay vốn chăn nuôi bò sinh sản, khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Đàn bò của gia đình chị H'Diuh Ktul (buôn Ky, phường Thành Nhất) được chăm sóc và sinh trưởng tốt.
Đàn bò của gia đình chị H'Diuh Ktul (buôn Ky, phường Thành Nhất) được chăm sóc và sinh trưởng tốt.

Gắn bó với nghề nhặt phế liệu tại bãi rác Cư Êbur hơn 10 năm nay, công việc của chị H’Sinh Êban (buôn Ky, phường Thành Nhất) bắt đầu từ sáng sớm đến khi trời tối mịt, mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng để trang trải cuộc sống của gia đình 4 người. “Dẫu vất vả, nhọc nhằn nhưng đối với tôi công việc đó đã quá quen thuộc, thế nên khi biết thông tin bãi rác sẽ ngưng hoạt động, tôi rất lo lắng. Cuối tháng 8 - 2017, được Hội LHPN phường hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã đầu tư mua 2 con bò để chăn nuôi, cũng từ đó đến nay, tranh thủ những lúc không đi nhặt rác tôi chăm sóc để bò sinh sản, phát triển kinh tế gia đình”. 

Tương tự, gia đình chị H’Diuh Ktul (buôn Ky, phường Thành Nhất) có 4 người hằng ngày mưu sinh trên bãi rác (gồm cả hai vợ chồng, mẹ và chị chồng), đó là chưa kể những lúc rảnh rỗi, các con chị cũng đi theo cùng để nhặt nhạnh  phế liệu phụ giúp bố mẹ kiếm thêm chi phí phục vụ việc học tập. Do đó, khi biết bãi rác sẽ đóng cửa, cả gia đình rất lo lắng vì không biết phải làm gì để trang trải cuộc sống. Khi được Hội LHPN tỉnh cho vay 20 triệu đồng để mua bò sinh sản, nỗi lo của chị cũng vơi bớt. Không chỉ mua 2 con bò, vợ chồng chị còn xây dựng chuồng trại và trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn cho bò. Ngoài ra, chị H’Diuh còn xin làm công nhân cho một xưởng gỗ trong buôn để trang trải cuộc sống gia đình.

Chị H’Sinh Êban (buôn Ky, phường Thành Nhất) chăm sóc bò để phát triển kinh tế gia đình.
Chị H’Sinh Êban (buôn Ky, phường Thành Nhất) chăm sóc bò để phát triển kinh tế gia đình.

 

“Theo kế hoạch, bãi rác Cư Êbur sẽ đóng cửa vào năm 2019 khi bãi chôn lấp rác thải đảm bảo quy chuẩn tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột được xây dựng xong. Việc hỗ trợ những người mưu sinh trên bãi rác chuyển đổi nghề lao động sẽ góp phần hạn chế tình trạng người dân tiếp tục đến bãi rác mới nhặt phế liệu” 

 
 
Ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch vật tư kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk

Nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề lao động độc hại cho phụ nữ làm nghề nhặt phế liệu ở bãi rác, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho 6 chị ở phường Thành Nhất vay vốn (20 triệu đồng/người); Hội LHPN xã Cư Êbur và phường Thành Nhất đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 29 hội viên vay vốn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản (20 triệu đồng/người); trong đó, xã Cư Êbur có 18 chị và phường Thành Nhất có 11 chị được vay. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi bò để giúp hội viên có thêm kiến thức chăn nuôi hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình. Chị H'Blỗn Ênuôl, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Êbur cho biết: “Việc hỗ trợ chị em phụ nữ nhặt phế liệu ở bãi rác chuyển đổi sang chăn nuôi bò sinh sản góp phần giải quyết chuyển đổi nghề, việc làm độc hại sang hướng phát triển kinh tế ổn định, lâu dài. Hơn thế nữa là giúp chị em tránh được những nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe bởi không khí ô nhiễm và những nguy cơ tai nạn khác khi hằng ngày mưu sinh trên bãi rác”.

Được biết, qua khảo sát xã Cư Êbur có 35 chị và phường Thành Nhất có 49 chị làm nghề nhặt phế liệu từ bãi rác Cư Êbur. Tuy nhiên, do nhiều gia đình không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nên không được hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề lao động. Chính vì thế, đến nay vẫn còn rất nhiều người tiếp tục mưu sinh bằng nghề “nhặt rác”. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp nên quan tâm, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ những nữ lao động này bởi khi bãi rác đóng cửa, hơn ai hết họ là những người gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm việc làm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.