Multimedia Đọc Báo in

Làng Thanh niên lập nghiệp cần sự tiếp sức

10:51, 15/01/2018

Dù đã được các cấp quan tâm, hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng cuộc sống của người dân ở Làng Thanh niên lập nghiệp (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) vẫn còn nhiều khó khăn.

Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp được Trung ương Đoàn triển khai thực hiện từ năm 2006 – 2009 với mục tiêu phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới; giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên và nhân dân trong vùng. Dự án được đầu tư gần 24,9 tỷ đồng, gồm các hạng mục: giao thông các tuyến chính; đường điện trung, hạ áp; 70 giếng khoan, bể chứa nước; nhà mẫu giáo, nhà văn hóa, trạm xá...

Điểm trường Mầm non Hoa Sen  ở Làng  Thanh niên lập nghiệp đã xuống cấp trầm trọng.
Điểm trường Mầm non Hoa Sen ở Làng Thanh niên lập nghiệp đã xuống cấp trầm trọng.

Năm 2010, Tỉnh Đoàn tiếp quản dự án và tiếp nhận các hộ thanh niên vào làng sinh sống và lập nghiệp. Với nhiều ưu đãi thiết thực: được cấp đất ở, đất sản xuất và nhiều chính sách hỗ trợ khác: vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt... cuộc sống của hơn 130 hộ dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, làng vẫn còn đó nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các cấp, các ngành. 

Cách trung tâm xã khoảng 15 km, nhưng con đường đất đến Làng Thanh niên lập nghiệp như xa ngái hơn bởi mịt mù đất đỏ, đầy ổ voi, ổ gà. Là một trong những người đầu tiên đến sinh sống tại làng, anh Nguyễn Văn Quý cho biết, dù đã cố gắng làm lụng, nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên được. Đất đai cằn cỗi, lại thiếu nước tưới nên hầu như các hộ dân trong làng chỉ trồng được 1 vụ lúa, mì mỗi năm. Năng suất thấp đã đành, đường lại xấu nên bà con thường xuyên bị tiểu thương ép giá. Điều anh Quý lo hơn cả là tương lai của các con, mấy đứa nhỏ có thể học tại các điểm trường ở thôn, nhưng còn đứa lớn mới 12 tuổi đã phải ở với bà nội (ở trung tâm xã Ia Lốp) để tiện cho việc học vì đường đi quá xa.

Tâm sự của anh Quý cũng là nỗi niềm chung của nhiều hộ dân ở làng Thanh niên lập nghiệp. Kể từ ngày dự án được triển khai, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều điều đáng bàn, nhất là vấn đề đất ở, đất sản xuất. Ông Lý Văn Sài, trưởng thôn chia sẻ, theo quy định của dự án, người dân sẽ được cấp 1 sào đất thổ cư và 1,5 ha đất canh tác, nhưng đến nay vẫn còn hàng chục hộ dân chưa nhận đủ số đất nói trên. Dù được cấp đất để sử dụng nhiều năm nay, nhưng tất cả các hộ vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một góc Làng Thanh niên lập nghiệp.
Một góc Làng Thanh niên lập nghiệp.

Cùng với đó, việc học của hơn 159 học sinh ở thôn gặp không ít khó khăn. Thôn hiện có 2 điểm trường (Trường Mầm non Hoa Sen và Trường Tiểu học Nguyễn Trãi), nhưng do phòng học chật chội, sụt lún nên nhiều lớp phải học ghép. Học sinh mầm non dù học ngày 2 buổi, nhu cầu bán trú rất lớn, nhưng trường không thể thực hiện do thiếu bếp nấu. Ngoài ra, các phân hiệu không có phòng chờ cho giáo viên nên các thầy cô phải tự túc chỗ nghỉ ngơi, trước khi bước vào giờ dạy chiều.

Vất vả nhất phải kể đến hơn 80 học sinh của làng đang học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Vì trường học ở xa (gần nhất cũng khoảng 15 km), tuyến đường đất đi lại gồ ghề nên nhiều em phải dậy từ rất sớm, thậm chí thuê trọ, ở nhờ nhà người thân để không phải bỏ học giữa chừng...

Ông Vi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Lốp tâm sự: Các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, đất đai, giao thông nông thôn, một số hộ thiếu điện sinh hoạt... ở Làng Thanh niên lập nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lập thân lập nghiệp của thanh niên. Thực tế, người dân và cả địa phương đã nhiều lần phản ánh trong các buổi hội nghị tiếp xúc cử tri. Mới đây, chính quyền địa phương cũng đã có buổi làm việc với đại diện Tỉnh Đoàn là ông Hoàng Quốc Bảo, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn tỉnh. Để tiếp thêm sức cho bà con Làng Thanh niên lập nghiệp, đại diện chính quyền địa phương đã đề nghị phía Tỉnh Đoàn cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan tới việc giao đất ở, đất sản xuất của nhân dân cho UBND xã, để có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, đồng thời mong muốn đơn vị phối hợp, sớm khắc phục những khó khăn, nhất là đường giao thông nông thôn để người dân được thuận lợi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.