Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình hiệu quả trong tập hợp hội viên, phụ nữ

06:12, 19/01/2018

Việc thu hút hội viên và nâng cao chất lượng tổ chức hội là nhân tố quyết định của phong trào phụ nữ. Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện M’Đrắk đã thực hiện nhiều cách làm, giải pháp nhằm tập hợp hội viên, phụ nữ - trong đó giải pháp quan trọng là xây dựng và triển khai có hiệu quả các câu lạc bộ và mô hình hoạt động.

Huyện M’Đrắk hiện có 18 mô hình, câu lạc bộ phụ nữ và 173 chi hội, thu hút 11.261 hội viên tham gia, trong đó có 4.346 chị là người dân tộc thiểu số và 2.193 chị theo tôn giáo. Bên cạnh các mô hình tập hợp phụ nữ theo địa bàn khu dân cư như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình không có người thân mắc các tệ nạn xã hội”, “Phòng, chống tội phạm và không có người thân phạm tội”..., Hội Phụ nữ các cấp còn xây dựng các mô hình mới dựa trên những nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, phù hợp với điều kiện thực tế, sinh hoạt hội ở cơ sở, ngành nghề, lứa tuổi, sở thích, nhóm đối tượng... để tập hợp phụ nữ một cách đa dạng, phong phú, cụ thể hơn, như các mô hình: Câu lạc bộ (CLB) “Xây dựng đô thị văn minh” của Hội Phụ nữ thị trấn M’Đrắk, CLB “Xây dựng nông thôn mới” xã Ea Riêng, CLB “Nữ tiểu thương” xã Krông Jing... Các mô hình, các CLB đã góp phần thu hút ngày càng đông chị em tham gia sinh hoạt Hội, là nơi giao lưu, sinh hoạt, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.

Các thành viên  Câu lạc bộ
Các thành viên Câu lạc bộ "Nữ tiểu thương" xã Krông Jin tham gia một cuộc thi nấu ăn.

Điển hình như mô hình “Phụ nữ nông – lâm kết hợp” tại chi hội 6, xã Cư Króa được thành lập năm 2016 với 10 thành viên là các chị em làm nông, lâm nghiệp tại địa phương; trong đó có những hội viên đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng rừng, trồng vải, chăn nuôi lợn, nuôi bò bán công nghiệp... Chị Lê Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Króa, cho biết: Qua thời gian hoạt động, chị em thường xuyên trao đổi, hướng dẫn nhau kiến thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức làm ăn có hiệu quả, hỗ trợ nhau về vốn, cây con giống để giúp các chị khó khăn thiếu vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... góp phần thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia tổ chức hội.

CLB “Nữ tiểu thương” tại xã Kông Jing mới được thành lập từ tháng 4-2017 nhưng đến nay đã có 18 thành viên, bởi ngoài mục đích chính là hỗ trợ phụ nữ nghèo thì CLB còn là nơi để các chị em chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Khi tham gia CLB, mỗi chị em tình nguyện đóng góp 500.000 đồng để xây dựng nguồn quỹ giúp hội viên có nguồn vốn vay đầu tư kinh doanh hoặc giúp chị em khó khăn phát triển mô hình kinh doanh. CLB đã hỗ trợ chị Trần Kiều Oanh (thợ may) có vốn mua vải, giúp chị Nguyễn Thị Nguyệt (thợ trang điểm cô dâu) có vốn mua dụng cụ nghề... Bà Phạm Thị Thư, Chủ nhiệm CLB “Nữ tiểu thương” chia sẻ, trong mỗi kỳ sinh hoạt, chị em còn cập nhật những thông tin liên quan đến ngành nghề của mình về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước; giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa ứng xử...

Bà Phạm Thị Thu Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện M’Đrắk nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhằm tăng cường tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt tổ chức Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá một số cơ sở chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội tại địa phương, quan tâm đến những đơn vị có tỷ lệ tập hợp hội viên thấp, địa bàn khó khăn trong công tác cán bộ, địa bàn có đông phụ nữ rộng rãi…

Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức hội”, ở những vùng đông phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các cấp hội phụ nữ đã xây dựng, phổ biến, nhân rộng các hoạt động kết nghĩa giữa chi hội, ban, tổ nữ công phụ nữ dân tộc Kinh với chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số, thu hút ngày càng đông chị em người dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt Hội.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.