Multimedia Đọc Báo in

Về xã nghèo nơi đàn ông lấy vợ chỉ để… làm rẫy

15:13, 06/01/2018

Ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), nơi có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào sinh sống, vẫn còn tồn tại hủ tục lạc hậu về hôn nhân, nhất là tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và tục lấy nhiều vợ.

Câu chuyện đàn ông năm thê, bảy thiếp  tưởng chỉ có trong cổ tích hoặc thời xa xưa giờ vẫn hiện hữu nơi những thôn nghèo ở Cư Kbang. Ngôi nhà cấp 4 của ông Triệu Đức Chi (thôn 13) ngổn ngang đồ đạc; 5-6 đứa trẻ chơi đùa trên những bao lúa được khâu cẩn thận. Không một chút e dè, ông Chi kể: “Tôi có ba người vợ, sáu đứa con, hiện tất cả đang đi làm ở rẫy tối mịt mới về. Người vợ đầu cưới ở ngoài Bắc, khi di cư vào đây lập nghiệp, tôi lấy thêm hai vợ nữa, sống chung trong một mái nhà. Lúc đầu vợ cả khó chịu nhưng rẫy nương nhiều có thêm hai người phụ giúp, đi làm có chị có em nói chuyện dần dần trở nên thân thiết”. Khi được hỏi về chuyện sinh hoạt vợ chồng, ông cười tươi: “Có gì đâu, nhà cửa tuy sơ sài nhưng cuộc sống của chúng tôi đầm ấm và hòa thuận. Tôi phân chia rõ ràng lắm nên các vợ đều vui vẻ, nhà có ba phòng ngủ, một phòng dành cho con, hai phòng còn lại dành cho tôi và các vợ, hôm nào ngủ với vợ cả thì hai vợ còn lại ngủ phòng bên cạnh, cứ như thế xoay vòng thôi”. Theo lời ông Chi, có nhiều gia đình cũng có 2 - 3 vợ và cũng sống hòa thuận yên ấm. “Những người làm rẫy như chúng tôi mới cần lấy nhiều vợ, chứ cán bộ thì cần gì lấy nhiều” – ông Chi phân bua.

Những đứa trẻ ở xã Cư Kbang đợi cha mẹ đi làm về.
Những đứa trẻ ở xã Cư Kbang đợi cha mẹ đi làm về.

Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng của gia đình ông Nông Văn Hùa (thôn 16) chẳng có gì đáng giá ngoài mấy dụng cụ sinh hoạt hằng ngày, hai người phụ nữ cùng bốn đứa trẻ đang ngồi trò chuyện rôm rả. Sau khi nghe cán bộ dân số giải thích, hai người phụ nữ cúi mặt đi nơi khác tủm tỉm cười, chị Hoàng Thị Chia (vợ ông Hùa) chia sẻ: “Chồng mình có hai vợ. Lúc đầu chồng đưa vợ mới về ở cùng nhà, mình cũng không thích, nhưng sau nghĩ lại thấy có thêm một người em gái nữa cũng thấy vui, giờ hai chị em sống hòa thuận lắm. Mình có hai đứa con, “vợ mới” của chồng cũng có hai đứa”.

Theo bà Hoàng Thị Châm, cán bộ dân số xã Cư Kbang, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng chục hộ mà chồng có từ hai vợ trở lên. Họ ưng nhau rồi về ở với nhau chứ không cưới xin, không thông qua chính quyền nên cũng không biết được, hỏi thì họ nói là vợ. Lấy nhiều vợ thì đẻ nhiều con, vì vậy mà ở đây rất nhiều gia đình có 5-7, thậm chí là 10 con. Cán bộ dân số đến tuyên truyền thì họ nói thẳng là vẫn biết như thế là vi phạm pháp luật, nhưng nhiều vợ mới có người làm rẫy mới có cái ăn”.

Hai người vợ và 4 đứa con của ông Nông Văn Hùa.
Hai người vợ và 4 đứa con của ông Nông Văn Hùa.

Được biết, toàn xã Cư Kbang có hơn 2.000 hộ dân, gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào lập nghiệp. Quan niệm về hôn nhân, sinh đẻ của người dân vẫn còn lạc hậu. Ngoài việc đàn ông lấy nhiều vợ để có người làm rẫy, tình trạng tảo hôn vẫn còn rất phổ biến; trong đó có nguyên nhân là trẻ vị thành niên trên địa bàn thường có quan hệ yêu đương sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Bà Châm than thở: “Khi cán bộ dân số đến tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, bà con vẫn lắng nghe nhưng nghe rồi để đó chứ không thực hiện. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ dân số ở cơ sở còn mỏng, trong khi địa bàn rộng, dân cư rải rác ở những vùng hẻo lánh, khó tiếp cận nên việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.