Multimedia Đọc Báo in

Xuân đến sớm với người dân Ea Rớt

06:15, 19/01/2018

Thôn Ea Rớt nằm cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông) hơn 20 km. Đây là một thôn đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ năm 1996, “nổi tiếng” với nhiều “không” như: không đường, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không sổ hộ khẩu, không chứng minh nhân dân... 

Nhưng nhờ sự quan tâm của địa phương, sự sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện, năm 2017 thôn Ea Rớt đã có điện, có sóng điện thoại, người dân có chứng minh nhân dân… Với bà con thôn Ea Rớt, mùa xuân năm nay dường như đến sớm.

Người dân thôn Ea Rớt  dùng  nước sạch  từ giếng nước công cộng được các nhóm từ thiện  tặng bà con.
Người dân thôn Ea Rớt dùng nước sạch từ giếng nước công cộng được các nhóm từ thiện tặng bà con.

Do thôn Ea Rớt chưa được đưa vào vùng quy hoạch, chưa được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên trong những năm qua, lãnh đạo xã Cư Pui luôn ưu tiên nguồn hỗ trợ từ các dự án để xây dựng cơ sở vật chất cho thôn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án công trình thủy lợi Krông Pắc Thượng và các nhóm từ thiện, trên địa bàn thôn Ea Rớt đã có 5 phòng học mới dành cho học sinh mầm non và tiểu học, 4 giếng nước công cộng, sân chơi cho học sinh… 

Đặc biệt, trong năm 2017, Dự án của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenlD) đã đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời ở thôn Ea Rớt với công suất 6,24 kWp cung cấp điện thắp sáng cho hơn 20 hộ dân. Trung tâm GreenlD còn hỗ trợ xây dựng hệ thống lọc nước tinh khiết RO cung cấp khoảng 1.000 lít nước sạch/ngày; hỗ trợ làm 100 bếp củi cải tiến tiết kiệm, an toàn… Ngoài ra, vừa qua trên địa bàn thôn cũng đã xây dựng cột phát sóng điện thoại để người dân có điều kiện liên lạc. Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt phấn khởi: "Cuộc sống của người dân trong thôn bây giờ đỡ vất vả hơn nhiều. Mấy chục hộ dân trong thôn đã được sử dụng điện, nước uống tinh khiết. Bà con đã liên lạc được bằng điện thoại. Nhiều nhà có điều kiện đã mua ti vi để xem tin tức”.

Niềm vui lớn nhất đến với bà con thôn Ea Rớt vào dịp cuối năm 2017 là 172 hộ dân trong thôn được cấp sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân sau hơn 20 năm định cư. Bà Giàng Thị Sai (66 tuổi) bộc bạch: “Trước đây không có sổ hộ khẩu nên không được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước, không được vay vốn ngân hàng, mua xe không làm được giấy tờ, con cái đi học không làm được hồ sơ... Định cư ở đây 22 năm giờ có giấy tờ tùy thân nên mừng lắm. Năm nay gia đình tôi sẽ đón Tết thật vui vẻ”.

 Trong thời gian tới, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông cũng sẽ bàn giao 112,9 ha đất nông nghiệp và hơn 2.000 ha rừng ở thôn Ea Rớt về cho địa phương quản lý. Việc cấp đất ở, đất sản xuất, diện tích đất rừng cho bà con thôn Ea Rớt cũng đang được các cấp có thẩm quyền của huyện Krông Bông và xã Cư Pui tiến hành.   

Học sinh thôn Ea Rớt đã có phòng học khang trang và sân chơi.
Học sinh thôn Ea Rớt đã có phòng học khang trang và sân chơi.

Ngoài ra, trong năm vừa qua còn có hàng chục nhóm thiện nguyện đến tặng quà cho người dân; tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho các em học sinh trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều nhóm từ thiện đăng ký sẽ tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tặng quần áo ấm, bánh kẹo và tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” sẽ tổ chức Chương trình “Bánh chưng xanh tặng học sinh nghèo” tại thôn Ea Rớt để tặng các em 400 bánh chưng, 200 áo ấm, bánh kẹo… trị giá khoảng 30 triệu đồng.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mùa xuân năm nay bà con thôn Ea Rớt rất vui vì cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Những người phụ nữ đang khẩn trương thêu cho xong những bộ áo váy đẹp để kịp mặc Tết, còn nam giới thì đang tích cực tập luyện ném cù để tham gia lễ hội các dân tộc phía Bắc do xã Cư Pui tổ chức vào đầu năm mới; nhiều gia đình đang sửa sang lại nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng gia đình. Xã Cư Pui cũng đã rà soát để hỗ trợ những hộ khó khăn trong dịp Tết. 

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.