Multimedia Đọc Báo in

Tết ấm lòng nạn nhân chất độc da cam/dioxin

09:55, 06/02/2018

Một mùa xuân mới đang đến gần, đó cũng là thời điểm các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, các gia đình chính sách; trong đó có những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin.

Những ngày cuối năm, nhiều nạn nhân CĐDC/dioxin trên địa bàn huyện Krông Búk cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc khi được đón nhận những phần quà thiết thực do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện trao tặng. Cầm trên tay suất quà Tết, ông Lê Hải Lý (thôn 6, xã Cư Né, huyện Krông Búk) không khỏi xúc động. Được biết, ông Lý là thương binh hạng 4/4, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trở về quê hương xây dựng tổ ấm nhưng may mắn đã không đến với gia đình khi cả 3 người con sinh ra đều bị ảnh hưởng CĐDC/dioxin. Tuổi đã cao, lại có mảnh đạn găm trong đầu, hiện nay ông Lý mất khả năng lao động, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào gần 5 sào cà phê đã già cỗi do một tay người vợ chăm sóc. Bởi vậy, những phần quà gồm gạo, bánh, kẹo với gia đình chính là món quà thiết thực trong dịp xuân mới, động viên gia đình cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Kim Lương đưa  con trai  đến Hội  Chữ thập đỏ tỉnh nhận  xe lăn.
Bà Lê Thị Kim Lương đưa con trai đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhận xe lăn.

Chị Dương Thị Bình (thôn 5, xã Tân Lập, huyện Krông Búk) là nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 2, bị thiểu năng trí tuệ ngay từ khi mới sinh, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động trên 85% . Cha mẹ mất, chị Dương Thị Lan – chị gái chị Bình đã không lập gia đình mà quyết tâm ở vậy, bươn chải nuôi em. Dịp Tết năm nay, ngoài những phần quà là nhu yếu phẩm, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện còn mang đến cho chị Bình phần quà ý nghĩa thiết thực là 1 con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Niềm vui như được nhân lên khi chỉ vài ngày sau khi được trao tặng, bò mẹ đã sinh thêm được 1 bê con. Chị Lan chia sẻ: “Thời gian trước, cuộc sống của chị em tôi rất khó khăn, thu nhập chính phụ thuộc vào việc làm thuê của tôi ở quanh xóm, vì vừa làm phải vừa trông em nên không dám đi xa. Bây giờ, có được “nguồn vốn” này, tôi sẽ cố gắng chăm sóc để bò sinh sản thêm, giúp cuộc sống bớt khó khăn hơn”.

Đối với gia đình bà Lê Thị Kim Lương (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), Tết này người con trai của bà là anh Nguyễn Mạnh Tuấn sẽ có được “đôi chân” để cùng bố mẹ đi lại thăm hỏi người thân, hàng xóm. Đó là chiếc xe lăn do Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng trong dịp Xuân Mậu Tuất 2018. Theo bà Lương, vợ chồng bà đều là bộ đội xuất ngũ, sinh được 2 người con thì đứa con trai bị ảnh hưởng di chứng chất độc hóa học nên bị liệt tứ chi. Được biết, cách đây khoảng 10 năm, anh Tuấn cũng được một đơn vị tặng chiếc xe lăn nhưng qua thời gian sử dụng đã hư hỏng. Bây giờ, chiếc xe lăn được tặng phần nào đỡ đần bà trong việc chăm sóc người con tật nguyền.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện trao quà tặng gia đình chị Dương Thị Bình (xã Tân Lập, huyện Krông Búk). Ảnh: V.Anh
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện trao quà tặng gia đình chị Dương Thị Bình (xã Tân Lập, huyện Krông Búk). Ảnh: V.Anh

Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết: “Ngoài các hoạt động thường xuyên về hỗ trợ sửa chữa nhà, vốn sản xuất, trợ cấp khám, chữa bệnh… thì trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp Hội và các ban, ngành, địa phương, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng đã tổ chức nhiều chương trình trao quà tặng cho các nạn nhân CĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh. Mặc dù giá trị mỗi phần quà không lớn, nhưng đó là sự sẻ chia giúp họ vui xuân, đón Tết đầm ấm, yên vui, hạnh phúc”.

Quả thật, những món quà dù nhỏ nhưng rất thiết thực  và cũng không kém phần ý nghĩa ấy đã nhân lên niềm vui, niềm hạnh phúc để những số phận kém may mắn vơi bớt những nhọc nhằn, khốn khó.

Toàn tỉnh có 3.845 người bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin; trong đó, có 2.269 người hoạt động kháng chiến,  786 dân thường, 110 người là thế hệ thứ ba... Trong năm 2017, toàn tỉnh đã vận động được trên 1,8 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ các nạn nhân da cam với số tiền gần 1,4 tỷ đồng.

Thúy Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.