Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế thôn buôn

09:52, 06/02/2018

Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được TP. Buôn Ma Thuột đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư để xây dựng đô thị văn minh, giàu bản sắc.

TP. Buôn Ma Thuột hiện có 72 thôn, 143 tổ dân phố, 33 buôn, với quy mô dân số khoảng 360.000 người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 16,36% dân số. Giai đoạn 2010-2015, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các buôn nhằm nâng cao đời sống người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo các buôn DTTS theo hướng bền vững, bảo đảm sự liên kết hài hòa giữa các vùng. Trong đó, việc triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 4-8-2011 của Thành ủy Buôn Ma Thuột và Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 28-3-2012 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS đến năm 2015 đã mang lại những hiệu quả tích cực. Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư DTTS, thành phố đang tập trung xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nhà văn hóa cộng đồng cho 33 buôn đồng bào DTTS tại chỗ; tổ chức nhiều hoạt động lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS; nhiều nghi lễ, lễ hội đã được phục dựng; công tác sưu tầm để bảo tồn và lưu giữ các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của các DTTS được chú trọng. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở 33 buôn của thành phố, đến nay toàn thành phố còn 162 dàn chiêng, 389 nhà truyền thống, 17 bến nước. Toàn thành phố hiện còn 254 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 40 nghệ nhân truyền dạy chiêng; 19 nghệ nhân chỉnh chiêng; 20 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ; 438 người biết dệt thổ cẩm. Đây chính là lực lượng có ý nghĩa quan trọng, đã phát huy vai trò của mình trong việc tổ chức các nghi lễ, truyền dạy đánh chiêng cho các thế hệ trẻ trong những năm qua.

Một góc buôn Akô Dhông.
Một góc buôn Akô Dhông.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS vẫn còn nhiều khoảng trống; giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đang mai một; một số nhà văn hóa cộng đồng tại các buôn đồng bào DTTS hoạt động chưa thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao; một số nghệ nhân giỏi, tâm huyết chưa có điều kiện truyền dạy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ; vai trò già làng, trưởng buôn chưa được phát huy tốt trong đời sống văn hóa cộng đồng; sự ràng buộc của các luật tục dần bị phai mờ trong đời sống sinh hoạt của không ít buôn làng… Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tác động của quá trình đô thị hóa; nguồn lực đầu tư của thành phố cho công tác bảo tồn văn hóa còn hạn chế; quá trình đầu tư xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa của các DTTS còn đơn điệu, có lúc còn mang tính áp đặt...

Để công tác bảo tồn đi vào thực chất, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế - xã hội, TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các nguồn lực đầu tư. Trong đó, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở các buôn DTTS cũng như tham gia tổ chức các lễ hội, văn hóa, văn nghệ dân gian...

Để bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát triển bền vững, tháng 9-2016, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã ban hành Nghị quyết số 03  về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS TP.  Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đây chính là khung nền tảng, quy định nhiều nội dung, công việc, đặt ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực từ cấp thành phố đến phường, xã cùng chi bộ thôn, buôn để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của 33 buôn đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố.

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu).
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu).

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy, UBND thành phố đã xây dựng Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố đã lựa chọn có trọng điểm một số giá trị văn hóa đặc trưng tại một số buôn của đồng bào DTTS tại chỗ để xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị đích thực phục vụ đời sống tinh thần và lợi ích kinh tế cho nhân dân, tạo động lực khuyến khích, động viên đồng bào DTTS trở thành nhân tố chủ đạo trong công tác gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ hoàn thành công tác kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ bảo tồn văn hóa ở các buôn, cụm đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong đó, tập trung 3 buôn: buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi); buôn Tuôr (xã Hòa Phú); buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu). Trong đó buôn Tuôr hiện đã được thành phố khảo sát để đầu tư bảo tồn gắn với việc phục vụ du lịch cộng đồng; phục dựng một số nghi lễ đặc trưng; bảo tồn chữ viết của một số đồng bào DTTS…   

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.