Multimedia Đọc Báo in

Trở lại làng "ăn rừng" thuở trước

05:54, 18/02/2018

Trong cái se lạnh của một ngày mưa cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại buôn Rơ Chai A (xã Krông Nô, huyện Lắk) – làng Sar Luk thuở trước trong tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gôo” của nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Georges Condominas. Không khí ẩm ướt, đất trời nhuốm màu bàng bạc buồn dễ gợi lên những câu chuyện thời quá vãng; một phần nữa do không phải lần đầu tiên đến đây nên càng có nhiều điều để nhớ và nghĩ...

Lần trở lại này, vài người đã đi xa đến dãy núi bên kia, về với miền đất của các Thần, chúng tôi chỉ còn gặp một số người quen cũ trong những lần đến Rơ Chai A trước đó. Trong câu chuyện “ôn cố tri tân”, mảng ký ức về nhà dân tộc học Condominas dần được ghép lại qua lời kể của những người già.

Buôn Rơ Chai A nằm nép mình dưới chân dãy Chư Yang Sin và neo bên bờ dòng Krông Nô ngày đêm cuồn cuộn chảy, vào khoảng thời gian “ăn rừng Đá Thần Gôo” (cách tính thời gian của người M’nông Gar bằng việc đánh dấu những vạt rừng do họ phát, đốt để gieo trồng hằng năm; ở đây cụ thể là chỉ năm 1949, hay chính xác hơn, năm trồng trọt kéo dài từ cuối tháng 11-1948 đến đầu tháng 12-1949) đã đón tiếp và dần dần chấp thuận chàng thanh niên 27 tuổi Condominas là một thành viên của buôn mình.

Tấm ảnh Yoo Condo (bìa trái) và già Y Văn Rơ Tung.
Tấm ảnh Yoo Condo (bìa trái) và già Y Văn Rơ Tung.

“Yoo Condo (cách gọi kính trọng của bà con buôn làng đối với ông Condominas - PV) đến làng Sar Luk ở khoảng 2 năm, được bà con trong buôn làm cho một ngôi nhà kiểu M’nông bên bờ sông, cùng sống, ăn uống, sinh hoạt, tham gia các công việc, lễ hội như mọi người...”, già Y Văn Rơ Tung nhớ lại. Khi ấy Y Văn mới chỉ là cậu bé 11 tuổi và cha của Y Văn làm phiên dịch cho ông Condominas. Trong lớp lớp trí nhớ đã bị thời gian chồng mờ của già Y Văn, thời gian sống tại làng Sar Luk, nhà dân tộc học người Pháp Condominas đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Yoo Condo đã chia sẻ cùng mọi phận người nơi đây, biến mình thành một người M’nông Gar thật sự.

Còn với bà H’Jiêng Ndu, ký ức về Yoo Condo là những kỷ niệm được trò chuyện, dạy ông nói tiếng M’nông. “Ngày Yoo đến đây, tôi mới được 8 tuổi. Yoo thường trò chuyện, học nói tiếng M’nông với mọi người. Yoo rất thân thiện, yêu quý trẻ con, hay tìm hiểu, chụp ảnh, ghi chép mọi việc. Sau này, Yoo Condo có về đây lại mấy lần, được gặp gỡ Yoo ai cũng xúc động...”, bà H’Jiêng hồi tưởng.

Bến nước bên bờ sông Krông Nô, nơi người dân buôn Sar Luk xưa sử dụng.
Bến nước bên bờ sông Krông Nô, nơi người dân buôn Sar Luk xưa sử dụng.

 

 
“Rừng Đá Thần Gôo đã cho tất cả những gì lao động của con người có thể lấy ra được từ nó, bây giờ người ta bỏ nó. Nó sẽ còn sống mãi trong ký ức của họ như một điểm mốc để ghi dấu ấn những biến cố đã xảy ra trong cái năm mà nó đã được “ăn”...”, 
 
trích từ “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gôo” - Georges Condominas

Những câu chuyện về quá khứ - hiện thực cứ đan xen. Nơi xa kia, phía cuối con đường mòn chạy tít tắp, đỉnh núi có Đá Thần Gôo vẫn cao vời vợi. Sar Luk với vài chục nóc nhà, 146 cư dân khi xưa giờ đã lên đến gần 200 hộ, hơn 780 khẩu. Đời sống của bà con buôn Rơ Chai A ngày một ổn định, không còn kiểu “bán du canh, du cư” như trước nữa. Thung lũng giờ không phải là những thảm cỏ tranh mà đã thành nương rẫy. Từng vườn cà phê xanh tốt trồng xen cây ăn trái, tiêu, điều. Giữa những ngôi nhà ván lợp ngói, hoặc tôn lạnh là những nhà xây cấp 4 rộng rãi...

Trưởng buôn Rơ Chai A Y Siêng Pang Ting cho biết: Giờ đây bà con trong buôn không còn canh tác lạc hậu mà đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hầu hết các hộ đều có xe máy, phương tiện sinh hoạt hiện đại. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến lớp, trong buôn có nhiều người học đến trung cấp, cao đẳng, đại học. Phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống của ông bà được giữ gìn. “Buôn mình có 3 đội cồng chiêng, nhiều người biết hát dân ca, dân vũ; các nghi lễ như cúng lúa, kết nghĩa... vẫn được tổ chức thường xuyên. Vừa rồi Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, bà con phấn khởi lắm, các gia đình đều sẵn sàng hiến đất, chặt bỏ cây trồng để làm đường...”, Trưởng buôn Y Siêng vui vẻ nói.

Tạm biệt những con người đáng mến và đáng kính ở buôn Rơ Chai A để về với phố thị; hành trình gần 120 km như ngắn lại bởi những suy tư lấp đầy. Từ Sar Luk xưa đến Rơ Chai A nay đã có nhiều đổi khác nhưng luôn có một sợi chỉ kết nối, xuyên suốt chiều dài lịch sử và người dân nơi đây sẽ luôn nhớ về người con đặc biệt của buôn làng mình - Yoo Condo.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.