Multimedia Đọc Báo in

Ngôi nhà chung ấm áp tình người

09:21, 12/03/2018

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Bằng tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu nghề, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã cùng xây dựng nơi đây trở thành ngôi nhà chung ấm áp tình người.

Ngôi nhà chung nhân ái

Tiền thân của Trung tâm Bảo trợ xã hội là Trại xã hội Hòa Đông, được thành lập ngày 13-3-1978, có nhiệm vụ nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa. Năm 1991, Trại xã hội Hòa Đông và Khu nuôi dưỡng con liệt sỹ mồ côi (địa chỉ hiện nay ở 210 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột) được hợp nhất thành Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi và đối tượng xã hội, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Tháng 6-1999, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk (thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).

Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 289 đối tượng, trong đó có 173 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, 25 người già, 56 người khuyết tật, 16 đối tượng lang thang và 35 đối tượng tự nguyện. Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Quang Tuệ cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, Trung tâm đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong số 74 cán bộ, nhân viên có 60 người đã được đào tạo chuyên ngành công tác xã hội và thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn chuyên ngành.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ  xã hội tỉnh Nguyễn Quang Tuệ kiểm tra  bữa ăn trưa và  động viên các  đối tượng.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nguyễn Quang Tuệ kiểm tra bữa ăn trưa và động viên các đối tượng.

Người cao tuổi vào Trung tâm đa số đều già yếu, bệnh tật, nhiều cụ nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt đều cần người giúp đỡ. Vì vậy, bên cạnh công tác chăm sóc về y tế, các nhân viên Trung tâm luôn gần gũi trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, an ủi họ như người thân ruột thịt. Bà Lò Thị Lả (66 tuổi), sống ở Trung tâm đã 15 năm bộc bạch: “Tôi bị liệt cả hai chân, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên xin vào Trung tâm. Từ ngày vào đây, tôi được cán bộ, nhân viên xem như người nhà, được chăm sóc, vệ sinh, ăn uống, thuốc men đầy đủ nên cảm thấy ngày càng khỏe ra”.

Còn đối với trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, non yếu, nhiều cháu bị thần kinh, bại liệt, bại não, dị tật, hội chứng down… sống ở đây cũng đều được các mẹ nuôi chăm sóc như con đẻ của mình. Đối với trẻ mồ côi, các cháu trong giai đoạn hình thành nhân cách, các bảo mẫu đã làm thay vai trò cha mẹ, luôn gần gũi, yêu thương, quan tâm, sẻ chia, trở thành “người bạn” để các em tin tưởng, gắn bó. Chị Trần Thị Bình có thâm niên gắn bó với Trung tâm 34 năm chia sẻ: “Đây là công việc có tính chất đặc thù với nhiều khó khăn, vất vả nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, các cán bộ, nhân viên đã cùng xây dựng Trung tâm trở thành ngôi nhà chung ấm áp tình người cho những mảnh đời bất hạnh, yếu thế”.

Kết nối cùng sẻ chia

Bên cạnh việc chăm sóc y tế, dinh dưỡng, Trung tâm luôn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng. Trung tâm được cấp trang thiết bị đầy đủ; khu nhà đa năng, sân cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, cầu lông, thư viện quan tâm đầu tư. Trẻ em ở Trung tâm được tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt hè bổ ích, được tham quan các điểm du lịch, di tích lịch sử vào các dịp lễ, tết. Chi đoàn thanh niên và bảo mẫu của Trung tâm thường xuyên phối hợp với các nhóm từ thiện xã hội, nhóm sinh viên tình nguyên tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, tặng quà cho các em.

Nhân viên Phòng Y tế - phục hồi chức năng của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tập vật lý trị liệu cho trẻ em khuyết tật.
Nhân viên Phòng Y tế - phục hồi chức năng của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tập vật lý trị liệu cho trẻ em khuyết tật.

 

 
“Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng cho gần 1.000 trẻ em. Mỗi năm có 5-7 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Nhiều em đã có việc làm ổn định trong ngành công an, giáo dục, y tế, có cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng, tạo việc làm, giúp đỡ các em khác trở thành người có ích cho xã hội”.
 
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Đối với người cao tuổi, hằng năm Trung tâm đều tổ chức đón tết, lễ, mừng thọ chu đáo, đầm ấm, an toàn. Những người già được tham gia lao động trị liệu, phục hồi chức năng như: tập thể dục dưỡng sinh, dọn vệ sinh, làm cỏ, trồng rau… Các cụ đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau vượt qua nỗi cô đơn hay những cơn đau do tuổi già sức yếu để sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Theo ông Nguyễn Quang Tuệ, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm đã kết nối, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước, trong đó có Tổ chức Kinderhilfe (Cộng hòa Liên bang Đức) đã có nhiều hoạt động tài trợ cho Trung tâm từ năm 1994 đến nay với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Công tác tiếp đón khách, tiếp nhận quà tặng, tài trợ được tổ chức nghiêm túc, minh bạch, theo đúng quy định. Đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hảo tâm trao quà tận tay đối tượng. Nhờ vậy, Trung tâm ngày càng nhận được sự quan tâm, sẻ chia, trợ giúp của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Yến Ngọc  


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.