Multimedia Đọc Báo in

Thư viện Đắk Lắk - những bước tiến rõ nét

06:37, 18/03/2018

Với mục tiêu xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, hội nhập quốc tế, và phát triển rộng khắp trên các địa bàn dân cư, thời gian qua Thư viện Đắk Lắk đã có bước phát triển đáng kể và rõ nét, phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của người dân. 

Nâng cao chất lượng

Theo bà Phạm Thị Kim – Giám đốc Thư viện Đắk Lắk, việc nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, đầu tiên phải kể đến là vốn tư liệu. Đến nay, thư viện tỉnh có gần 165.000 bản sách, trong đó có hơn 6.000 bản (tài liệu) địa chí quý giá. Kho sách báo luân chuyển hằng năm cho các cơ sở cấp huyện, thị xã, điểm bưu điện – văn hóa… đã nâng lên gần 38.000 bản, trong đó có hơn 5.000 đơn vị báo và tạp chí, khoảng 1.900 tài liệu điện tử. So với những năm 2014 – 2015, vốn tư liệu không những được thiết kế, xây dựng theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng, mà số lượng còn tăng gần gấp đôi.  

Ngoài thư viện tỉnh, trên địa bàn hiện có 13 thư viện huyện, thị xã và 141 điểm bưu điện – văn hóa xã có phòng đọc sách, truy cập mạng Internet, cùng hàng trăm tủ sách ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước. Bà Kim cho biết, trước đây do nguồn kinh phí được cấp hằng năm ít ỏi, nên nguồn sách báo bổ sung vào các thư viện tuyến cơ sở không nhiều và chưa kịp thời, khiến hoạt động ở đây không hiệu quả, thậm chí có không ít nơi phải đóng cửa. Đến nay, tình trạng ấy đã được khắc phục nhờ lượng sách báo, tài liệu điện tử được luân chuyển, bổ sung thường xuyên với gần 8.300 bản/điểm thư viện, nên đã thu hút bạn đọc trở lại ngày càng đông hơn (bình quân 700 – 800 người/tháng), góp phần phục vụ đắc lực vào việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Học sinh Khối Tiểu học - Trường Hoàng Việt, TP. Buôn Ma Thuột được tiếp cận sách, báo thông qua mô hình
Học sinh Khối Tiểu học - Trường Hoàng Việt, TP. Buôn Ma Thuột được tiếp cận sách, báo thông qua mô hình "Thư viện xanh".

Theo đó, hệ thống thư viện trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó Thư viện tỉnh - với vai trò trung tâm đã trực tiếp tham mưu, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các thư viện cơ sở nắm bắt, điều chỉnh các nguồn tư liệu, sách báo hợp lý và khoa học, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Điều đặc biệt là khác với phương thức hoạt động trước đây, sách báo chỉ nằm trong kho chờ bạn đọc - thì nay với phương châm “sách tìm đến với bạn đọc”, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa và bổ ích như: Hội thi kể chuyện theo sách thiếu nhi; Ngày hội sách tuổi thơ; Ngày hội sách và văn hóa đọc; Thi tìm hiểu sách nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của địa phương và cả nước… đã thu hút bạn đọc quan tâm, tích cực hưởng ứng sôi nổi và rộng khắp.

Mục tiêu hướng tới

Từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, hệ thống thư viện Đắk Lắk hướng tới mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giữ gìn di sản thư tịch của địa phương và quốc gia; không ngừng mở rộng nội dung, hình thức truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí cho người dân thông qua việc ứng dụng tích cực, hiệu quả công nghệ thông tin hiện đại và đổi mới công tác tổ chức, quản lý nghiệp vụ trong hệ thống nhằm tạo sự kết nối đồng bộ để hỗ trợ bạn đọc.

Đến năm 2020, nâng tổng số vốn tài liệu trong toàn hệ thống thư viện tỉnh lên con số 200.000 bản sách và 10.000 tài liệu điện tử, số hóa từ 50 - 70% tài liệu địa chí, các công trình khoa học hiện có, phấn đấu đạt 0,8 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng (Theo Đề án Phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025)

Theo Đề án Phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025, thì việc xây dựng hệ thống thư viện  hiện đại, có tính liên kết cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là vấn đề đáng quan tâm. Bà Kim cho biết, để có hệ thống thư viện như thế, nhất thiết phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành; từng bước phát triển rộng khắp các loại hình thư viện trên địa bàn dân cư; thực hiện tốt công tác luân chuyển sách báo xuống cơ sở, phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của mọi người.

Thư viện xanh trường Hoàng Việt.
Thư viện xanh trường Hoàng Việt.

Giải pháp nhằm đạt được mục tiêu này là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thông tin – thư viện, kèm với cơ chế, chính sách tài chính hợp lý và linh hoạt của các cấp, các ngành liên quan. Tích cực kêu gọi, huy động nhiều nguồn đầu tư khác nhau (ngân sách Nhà nước, đóng góp doanh nghiệp, cộng đồng) và đặc biệt là tranh thủ nguồn tài trợ của các đơn vị kinh doanh, phát hành sách trong cả nước. Tăng cường mở rộng mối quan hệ quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức phát triển văn hóa – giáo dục thế giới, các tổ chức phi Chính phủ như Quỹ phát triển Văn hóa Thụy Điển – Việt Nam, Quỹ sách Châu Á – Thái Bình Dương, Dự án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ASEAN… Hy vọng từ các nguồn lực đó, Đắk Lắk sẽ có hệ thống thư viện đạt chuẩn đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên theo yêu cầu của Bộ VH-TT-DL.

Phương Bối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.