Multimedia Đọc Báo in

Buồn cho một "kỷ lục"!

07:09, 22/04/2018

Với quan niệm cổ hủ “đông con hơn nhiều của”, anh Y Jon Kbuôr và chị H’Nem Hmốk (buôn Dhăm, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đã “lập nên” một “kỷ lục”: “Cặp vợ chồng sinh đông con nhất huyện”. Đằng sau “kỷ lục” đó là cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói mãi không thoát ra được.

Năm 1995, anh Y Jon (sinh năm 1970) và chị H’Nem (sinh năm 1974) “ưng nhau” rồi về ở với nhau chứ không đăng ký kết hôn. Năm 1998 họ sinh người con đầu tiên, rồi cứ thế sinh đẻ liên tục, đến năm 2017 thì sinh người con thứ 12, gồm 6 trai và 6 gái (trung bình cứ 1 năm rưỡi lại có một đứa con chào đời). Những đứa trẻ này đều được người mẹ sinh ra tại nhà và người bố làm nhiệm vụ “bà đỡ”.

Nhiều con như vậy nên anh Y Jon không nhớ rõ năm sinh cũng như tên của các con. Còn chị H’Nem phải “mang nặng đẻ đau” liên tục nên thường xuyên đau ốm và tiều tụy. Anh Y Jon gồng mình gánh vác gánh nặng nuôi gia đình. Nhà có 14 nhân khẩu nhưng không có đất đai để canh tác, anh Y Jon phải đi làm thuê, làm mướn đủ nghề: hái cà phê, hái tiêu, có khi làm thợ hồ, bốc vác... mỗi ngày cũng chỉ được 150.000 đồng. Nhiều hôm anh Y Jon đau ốm, hoặc thời tiết bất thường… không đi làm được thì cả nhà xem như nhịn đói. Cuộc sống của gia đình anh luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Những đứa con từ khi sinh ra và lớn lên đều còi cọc vì nhiều bữa phải nhịn đói; quần áo cũ kỹ, xộc xệch và tội nghiệp nhất là không đứa nào được đi học. 

Ngôi nhà  tồi tàn,  rách nát của gia đình anh Y Jon.
Ngôi nhà tồi tàn, rách nát của gia đình anh Y Jon.

Đã hơn 20 năm nay, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, gia đình anh Y Jon phải chạy ăn từng bữa nên không có nổi ngôi nhà để ở. Họ phải ở nhờ trong nhà của người mẹ già, diện tích chỉ khoảng 20 m2, nằm chơ vơ giữa cánh đồng rộng lớn, hiu quạnh. Để có chỗ ăn, chỗ ngủ và tiện bề sinh hoạt, anh Y Jon đã ghép thêm một gian nhà tranh, vách nứa bên cạnh. Không có điện thắp sáng, đêm đến trong nhà chỉ le lói chút ánh sáng từ bếp lửa và cái đèn bình cũ kỹ. Để vào được nhà phải đi men theo từng bờ ruộng. “Nhà mình mùa này thì nắng rọi vào, còn mùa mưa thì nước lùa xuống, nhiều khi mấy đứa trẻ không ngủ được” - chị H’Nem tâm sự.

Hiện tại, trong số 12 người con của vợ chồng chị H’Nem, 4 đứa đầu đã lập gia đình và đi làm thuê ở tỉnh Đồng Nai; 4 đứa kế tiếp hằng ngày đi chăn bò thuê hoặc nhặt phân bò để bán, có khi ra đồng ruộng, mương nước để mò cua, bắt ốc...; còn 4 đứa nhỏ (sinh năm 2012, 2013, 2016, 2017) ở nhà với mẹ, trông nheo nhóc và đáng thương. Tài sản của cả gia đình chẳng có gì đáng giá ngoài đống quần áo trẻ em cũ kỹ treo lơ lửng, lộn xộn khắp nhà.

Chị H’Nem tiều tụy bên cạnh những đứa con nheo nhóc.
Chị H’Nem tiều tụy bên cạnh những đứa con nheo nhóc.

Mặc dù nhiều lần được cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số của buôn tư vấn, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng đến nay vợ chồng anh Y Jon vẫn chưa sử dụng một biện pháp tránh thai nào. Việc họ sinh thêm đứa con thứ 13, 14... và tiếp tục xác lập thêm “kỷ lục” mới về “sinh đông con nhất” hoàn toàn có thể xảy ra. Những đứa trẻ trong gia đình này chưa biết khi nào mới đủ ăn, đủ mặc và được đi học. Câu chuyện buồn cho “kỷ lục” của vợ chồng chị H’Nem cũng chưa biết đến khi nào mới có kết thúc!?

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.