Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Còn nhiều khó khăn trong phòng chống bệnh dại trên động vật

09:00, 03/04/2018

Mùa nắng nóng đang đến gần, đây cũng là thời điểm bệnh dại có nguy cơ bùng phát cao. Tuy nhiên, công tác phòng chống bệnh dại trên động vật tại TP. Buôn Ma Thuột đang gặp không ít khó khăn…

Tỷ lệ tiêm phòng nhiều thôn đạt thấp

Tham gia cùng cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột đi tiêm phòng cho chó, mèo tại thôn 8, xã Hòa Thắng, ngoài những hộ dân tích cực hưởng ứng thì cũng có không ít người nuôi chó, mèo tại đây đưa ra những lý do để “từ chối khéo” việc tiêm phòng cho “thú cưng” của gia đình mình. Thậm chí, một số hộ nuôi khá nhiều chó (từ 3-9 con) nhưng vẫn đóng cửa, không tiếp cán bộ thú y đến tuyên truyền, vận động tiêm phòng cho vật nuôi.

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Mặc dù không có kinh phí tuyên truyền, nhưng trước khi triển khai chiến dịch tiêm phòng cho chó, mèo (bắt đầu từ ngày 14-3 và kết thúc vào ngày 14-4), chúng tôi đã sử dụng xe ô tô cá nhân và mượn thêm loa đài để tổ chức tuyên truyền lưu động về sự nguy hiểm cũng như cách phòng chống bệnh dại trên động vật và trên người tại các xã vùng ven như: Hòa Thắng, Ea Tu, Hòa Thuận, Hòa Xuân, Hòa Phú, Cư Êbur. Đồng thời, trong quá trình tổ chức tiêm phòng vắc xin cho chó mèo, các cán bộ phụ trách từng địa bàn xã, phường đều phối hợp với chính quyền địa phương lên kế hoạch và thông báo thời gian tiêm phòng trên hệ thống loa phát thanh để các chủ nuôi chó, mèo biết và hưởng ứng. Tuy nhiên, tại một số địa bàn vùng ven, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này. Chẳng hạn như thôn 2 của xã Cư Êbur, cả một ngày, cán bộ thú y chỉ tiêm vắc xin phòng bệnh được 8 con chó, trong khi số lượng chó nuôi trên địa bàn thôn ước khoảng 100 con. Hay như tại một số thôn, buôn ở xã Ea Kao, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng cũng rất thấp”.

Cán bộ thú y  xã Hòa Thắng tiêm vắc xin phòng dại  cho chó tại một hộ  gia đình trên địa bàn xã.
Cán bộ thú y xã Hòa Thắng tiêm vắc xin phòng dại cho chó tại một hộ gia đình trên địa bàn xã.

Tính đến ngày 27-3, chiến dịch tiêm phòng dại cho chó mèo đã đi được nửa chặng đường, nhưng toàn thành phố mới tiêm được 3.200 con chó, đạt trên 27,3% trong tổng số đàn chó khoảng 11.700 con (số liệu thống kê cuối năm 2017). Để đạt được mục tiêu có khoảng 8.000 con chó được tiêm phòng dại trong chiến dịch, hiện Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột vẫn lồng ghép tuyên truyền, vận động với hoạt động tiêm phòng; tổ chức tiêm vét sau mỗi đợt tiêm. Theo ông Hoàng Anh Dũng, theo quy định thì trước khi tiêm phòng dại cho động vật phải lập danh sách và thông báo cho hộ gia đình nuôi chó, mèo, nhưng trên thực tế chưa kịp làm do không có kinh phí và nhân lực. Vì thế, để tránh bỏ sót đối tượng, khi tiêm lần thứ nhất, những gia đình nuôi chó, mèo nào đi vắng hoặc vì lý do nào đó mà chưa tiêm sẽ được cán bộ thú y ghi danh sách lại để vận động tiêm vét lần 2. Nếu trong lần 2 các hộ dân vẫn cố tình không tiêm phòng cho chó, mèo thì chính quyền địa phương sẽ có biện pháp xử phạt hành chính.

Chó mèo thả rông vẫn phổ biến

Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định: Người nuôi chó phải có trách nhiệm đăng ký với trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố; chấp hành các quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ; phải thường xuyên xích, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, không được để chó cắn người; ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm, không để chó đi lang thang ngoài đường phố làm mất vệ sinh nơi công cộng... Quy định rõ ràng như vậy, nhưng nhìn nhận trên thực tế, tình trạng chó, mèo thả rông, không rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhất là ở các xã vùng ven. Việc thiếu ý thức của chủ nuôi, thả rông chó mèo, không chỉ làm mất vệ sinh môi trường vì chó phóng uế bừa bãi ra nơi công cộng, mà còn gây nguy hiểm cho người dân khi chẳng may bị chó cắn và là nguyên nhân gây nên không ít vụ tai nạn giao thông.

Tại nhiều khu vực dân cư đông đúc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhiều gia đình vẫn thả chó rông ngoài đường, không rọ mõm.
Tại nhiều khu vực dân cư đông đúc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhiều gia đình vẫn thả chó rông ngoài đường, không rọ mõm.

Theo ý kiến của một số cán bộ ở các địa phương thì việc quản lý chó nuôi tại các xã vùng ven là rất khó. Bởi địa bàn và tập quán sinh hoạt của người dân gần giống với nông thôn, trong khi đó người dân lại chưa có ý thức cao trong việc nuôi nhốt chó, nên vấn đề xử lý chó thả rông vẫn đang... bế tắc.

Đối với các hộ không tiêm phòng dại cho chó, mèo sẽ bị xử lý theo điểm a, Khoản 2, Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y với mức phạt giành cho người không tiêm phòng cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng là từ 600.000 - 800.000 đồng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.