Multimedia Đọc Báo in

Chung tay chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội

06:24, 20/05/2018

Thời gian qua, việc chăm sóc cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không chỉ được các ban, ngành quan tâm mà đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.

Với số lượng đối tượng bảo trợ xã hội đông và ngày càng tăng; cụ thể từ trên 6.000 người (năm 2015) lên trên 7.000 người (năm 2016) và gần 7.800 người (năm 2017), kinh phí chi trả trợ cấp cũng tăng theo, hiện nay khoảng 3 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, hằng năm thành phố còn chi hàng trăm triệu đồng hỗ trợ đột xuất cho những trường hợp bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hỗ trợ gạo cứu đói…. góp phần tạo điều kiện giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Riêng trong năm 2017, tổng kinh phí thực hiện trợ cấp bảo trợ hàng tháng của thành phố đã gần 31,8 tỷ đồng; đồng thời, hỗ trợ đột xuất cho 16 trường hợp với tổng kinh phí 116,1 triệu đồng; cứu đói dịp giáp hạt hơn 75 tấn gạo cho 1.162 hộ gia đình (5.034 khẩu); thăm, tặng quà cho 170 cụ tròn 90 tuổi, 16 cụ tròn 100 tuổi nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi; miễn giảm học phí cho 17 học sinh...

Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột trao tiền hỗ trợ hằng tháng cho cụ Đậu Thị Bài (xã Hòa Phú).
Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột trao tiền hỗ trợ hằng tháng cho cụ Đậu Thị Bài (xã Hòa Phú).

Có thể nói, những đối tượng như: người cao tuổi, người già neo đơn trên 80 tuổi, trẻ em mồ côi, người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, mất nguồn nuôi dưỡng… đã được các cấp, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến các phường, xã đặc biệt quan tâm, chú trọng, thực hiện tốt công tác chăm sóc, giải quyết chế độ chính sách. Song song đó, nhiều đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội thông qua các chương trình từ thiện, nhận đỡ đầu, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đơn cử như ở phường Thống Nhất, chương trình Bếp cơm xã hội do cán bộ, công nhân viên của phường và các mạnh thường quân giúp đỡ đã hoạt động và duy trì từ năm 2015 đến nay. Khởi điểm với 100 suất cơm trị giá 5.000 đồng/suất bán vào mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, đến nay Bếp cơm đã tăng thành 200 suất để phục vụ nhu cầu cơm trưa của người lao động nghèo; từ đầu năm 2017, bếp cơm tổ chức thêm buổi bán bánh mì thịt vào sáng thứ tư hằng tuần chỉ với giá 2.000 đồng/ổ. Ngoài việc phục vụ cơm giá rẻ cho người lao động nghèo tại chỗ, bếp cơm còn thường xuyên đưa cơm đến cho một số trường hợp là người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Hay như việc Hội LHPN thành phố đứng ra nhận đỡ đầu cụ Đậu Thị Bài (xã Hòa Phú) là người già neo đơn với số tiền 500 nghìn đồng/tháng; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố nhận đỡ đầu em Bùi Thị Thu Nương (xã Ea Kao) bị nhiễm chất độc da cam số tiền 360 nghìn đồng/quý...

Bếp cơm xã hội của phường Thống Nhất phục vụ người lao động nghèo.
Bếp cơm xã hội của phường Thống Nhất phục vụ người lao động nghèo.

Cùng với các tổ chức đoàn thể, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng thực hiện tốt công tác trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội. Tiêu biểu như anh Mai Tiến Hùng (phường Thắng Lợi) nhận hỗ trợ 2 trường hợp là bà Nguyễn Thị Yến (nhà có 3 người bị tâm thần) và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (nạn nhân chất độc da cam) ở phường Thống Nhất mỗi trường hợp 200 nghìn đồng/tháng. Hoặc Công ty Cổ phần Cà phê An Thái nhận hỗ trợ 10 trường hợp với số tiền 300 nghìn đồng/tháng/trường hợp; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đăng Phong nhận hỗ trợ 21 trường hợp với số tiền từ 300 – 500 nghìn đồng/tháng/trường hợp…

Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, phần lớn những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đều thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự tương trợ của cộng đồng đã góp phần giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của các đối tượng để có kế hoạch trợ giúp phù hợp; huy động các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tham gia ủng hộ, trợ giúp các đối tượng yếu thế nâng cao cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, TP. Buôn Ma Thuột đang thực hiện trợ cấp hằng tháng cho 8.042 đối tượng; trong đó, chủ yếu là người cao tuổi (3.949 đối tượng), khuyết tật nặng (1.384 đối tượng), nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật (664 đối tượng), trẻ mồ côi (113 đối tượng)…

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.