Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN thị xã Buôn Hồ: Tạo cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp bền vững

09:23, 24/05/2018

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Buôn Hồ không chỉ hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn khởi nghiệp mà còn chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, qua đó giúp hội viên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên khởi nghiệp. Nếu như năm 2017, Hội chỉ hỗ trợ được 3 hội viên, thì từ đầu năm 2018 đến nay, tổng số hội viên được hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh toàn thị xã là 158 người, trong đó có 27 hội viên người dân tộc thiểu số, với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.  Hiện nay, nhiều mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã nhờ sự hỗ trợ khởi nghiệp của Hội LHPN thị xã Buôn Hồ được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động như: tổ hợp tác chế biến cà phê 7G (xã Ea Siên); mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học cho 6 thành viên HTX nuôi gà thả vườn Minh Hạnh (xã Ea Siên); xây 2 hầm biogas tại tổ hợp tác nuôi heo sạch xã Ea Đrông… Hội LHPN thị xã Buôn Hồ còn phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Sản phẩm cơ khí của Hội LHPN thị xã Buôn Hồ trưng bày tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018.
Sản phẩm cơ khí của Hội LHPN thị xã Buôn Hồ trưng bày tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018.

Tiêu biểu có thể kể đến mô hình khởi nghiệp của chị Vũ Thị Thanh Nga, tổ dân phố 4, phường An Lạc. Cách đây 2 năm, vợ chồng chị Nga quyết định mở cơ sở rang xay và chế biến cà phê bột. Thời gian đầu gặp khó khăn về kinh tế, chị được các cấp Hội Phụ nữ của thị xã Buôn Hồ hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn và đăng ký thương hiệu cà phê. Hiện nay sản phẩm cà phê bột rang xay Long Nguyên của gia đình chị Nga đang dần được người tiêu dùng tiếp nhận.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Nga cũng như nhiều hội viên phụ nữ  trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, việc khởi nghiệp đối với phụ nữ luôn có những trở ngại, khó khăn nhất định. Nhất là việc thay đổi nhận thức của xã hội, của gia đình và của chính bản thân phụ nữ về cơ hội khi tham gia kinh doanh. Đặc biệt là việc tiếp cận nguồn lực, thông tin về thị trường; tham gia xúc tiến thương mại... để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Chị Nga cho hay: “Làm ra được sản phẩm đã khó, nhưng để tiêu thụ được càng khó khăn gấp bội. Do là nữ nên việc tìm kiếm thông tin thị trường còn hạn chế. Nếu có các kênh hỗ trợ tìm kiếm thông tin thì công việc sẽ dễ dàng hơn…”.

Chị Vũ Thị Thanh Nga (phải) chia sẻ những khó khăn khi khởi nghiệp bằng sản phẩm cà phê bột với cán bộ Hội LHPN thị xã Buôn Hồ.
Chị Vũ Thị Thanh Nga (phải) chia sẻ những khó khăn khi khởi nghiệp bằng sản phẩm cà phê bột với cán bộ Hội LHPN thị xã Buôn Hồ.

Nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu của hội viên, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối hội viên với các đại lý tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh như tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp kết nối - chia sẻ và nhân rộng mô hình phụ nữ liên kết làm kinh tế giỏi”, qua đó đã hỗ trợ hội viên tiếp cận được với Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Ko Tam, Công ty Thực phẩm sạch Buôn Ma Thuột… để tiêu thụ sản phẩm rau sạch của hội viên. Gần đây nhất, tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã chủ động giới thiệu sản phẩm chanh dây của chi hội phụ nữ tổ dân phố 2 (phường Bình Tân), sản phẩm cơ khí của xã Cư Pao… đến với các đại lý tiêu thụ; mở thêm kênh phân phối sản phẩm cho hội viên.

Chị Trần Khánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ cho biết: “Việc tiếp cận được một số kênh tiêu thụ sản phẩm cho hội viên đã có tín hiệu tích cực, nhưng cũng đang còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn nhận được hỗ trợ từ chuyên gia các ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong việc hỗ trợ hội viên khởi nghiệp và tiếp cận thị trường để tiếp tục hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho hội viên khởi nghiệp; xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm… góp phần hỗ trợ chị em phụ nữ khởi nghiệp bền vững”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.