Multimedia Đọc Báo in

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Góp phần nâng cao chất lượng an sinh

08:51, 19/07/2018

Việc già hóa dân số là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến thị trường lao động, cả về quy mô, cơ cấu, loại hình việc làm và sự bền vững của các hệ thống hưu trí.

Tuổi thọ gia tăng đã đặt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trước những yêu cầu cần phải cải cách mà trọng tâm là tính đến quan hệ giữa thời gian tham gia và thời gian thụ hưởng. Cách thức tiếp cận, quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng, việc thực hiện mở rộng diện bao phủ và việc cưỡng chế thi hành pháp luật BHXH cũng là một thách thức lớn đối với BHXH trong thời đại của  cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mục tiêu cải cách chính sách BHXH là để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2021, 2025, 2030 phấn đấu có khoảng 35%, 45%, 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (trong đó BHXH tự nguyện khoảng 1%, 2,5%, 5% ); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu là 45%, 55% và 60%; phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%, 85% và 90%; giao dịch điện tử đạt 100% vào năm 2021, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp bằng mức ASEAN 4.

Tuyên truyền về Luật BHXH, Luật BHYT tại Công ty TNHH May Tây Nguyên.  Ảnh: P. Thảo
Tuyên truyền về Luật BHXH, Luật BHYT tại Công ty TNHH May Tây Nguyên. Ảnh: P. Thảo

Một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH như sau:

- Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng bao gồm (lương hưu xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung) nhằm tăng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; đồng thời tạo cơ hội cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu.

- Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng.

- Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

- Cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH.

- Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH.

- Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế hiện nay đang thấp hơn so với quy định của pháp luật.

- Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp.

- Điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp thông lệ quốc tế.

- Xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người tại chức, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

Nguyễn Thị Xuân

(Phó Giám đốc BHXH tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.