Multimedia Đọc Báo in

Mùa "ăn" rừng

08:47, 29/07/2018

Đắk Lắk mùa này đang đón những cơn mưa nặng hạt đến rồi đi bất chợt khiến nhiều người khó chịu. Thế nhưng ít ai biết rằng có một bộ phận dân lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số lại mong mùa mưa về để được vào rừng tìm măng, hái nấm... Họ gọi đây là mùa “ăn” rừng.

Ghé thăm nhà H’ Khối Knul (SN 1987, buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đúng lúc chị vừa đi hái măng trong Vườn quốc gia Yok Đôn về. Chị và con trai lớn đi từ sáng sớm đến trưa mới kiếm đầy 2 gùi măng, bóc vỏ xong còn được 10 kg. Chị H’ Khối kể, nghề hái măng vất vả lắm. Mùa mưa, cỏ cây um tùm, người hái phải vạch từng bụi tre, bụi le tìm chồi măng, rồi dùng thuổng chọc sâu xuống lòng đất lấy phần măng non. Chui lủi trong rừng sâu nên bị gai đâm, muỗi đốt, kiến rừng cắn là chuyện thường mà bất cứ ai đi hái măng đều gặp phải. Nói rồi, chị H’ Khối đưa tay chỉ lên khuôn mặt đỏ rát, sưng vù vì bị ong đốt. Luồn rừng tìm măng đã khổ, công đoạn tách vỏ cũng nhọc nhằn không kém. Người hái dùng tay bóc đi lớp vỏ dày cứng khiến đôi tay đau rát, chai sần. Khó nhọc là vậy nhưng chị H’ Khối vẫn ngày ngày vào rừng hái măng để làm thức ăn và bán lấy tiền. Trung bình mỗi ngày, chị hái được 10-15 kg măng tươi, bán giá 9 nghìn đồng/kg, kiếm trên 100 nghìn đồng/ngày. Số tiền này, chị dùng để mua thêm thức ăn cải thiện bữa ăn gia đình.

Chị H’ Khối Knul (bên phải) gọt sạch măng để bán.
Chị H’ Khối Knul (bên phải) gọt sạch măng để bán.

Mùa mưa ở rừng không chỉ có măng mà còn mọc nhiều loại nấm tự nhiên thơm ngọt, giàu dinh dưỡng như nấm mối, nấm hương, linh chi… Tuy nhiên, săn món “lộc rừng” này cũng không hề đơn giản. Amí Dơk (62 tuổi, buôn Yang Lành) cho hay, muốn hái nấm ngon, ngọt nhất phải vào rừng từ sớm tinh mơ. Lúc này nấm mới nhú lên khỏi mặt đất, đầu nấm hình tròn. Đến trưa nấm nở to ăn không giòn, ngọt. Hái nấm khi trời hanh ráo, nếu gặp mưa không nên lấy nữa vì nấm bị dập nát.  Người hái phải nhận biết được nấm độc (thường có màu sắc sặc sỡ, mùi hắc, chân nấm có bao gốc…), không nên hái nấm lạ, dễ trúng nấm độc ăn vào ngộ độc ngay. Trước đây, nấm tự nhiên mọc nhiều ở gốc cây họ Dầu trong rừng, hay các ụ mối trên nương rẫy, người dân chỉ cần đi hái một lát là đầy gùi ngay.

Giờ nấm mọc thưa dần, hôm nào “trúng mánh” Amí Dơk hái được 3-4 kg nấm, có ngày tìm mỏi mắt chỉ được vài lạng đủ ăn. Nấm mọc tự nhiên ngon ngọt, hiếm gặp nên có giá cao 40-50 nghìn đồng/kg nấm mối và 70-90 nghìn đồng/kg nấm hương, riêng nấm linh chi có giá cao hơn nhiều. Nấm vừa hái về là có người đến mua liền, nhiều khi khan hiếm phải dặn trước mới mua được. 

Nấm rừng mọc dưới tán cây họ Dầu trong rừng.
Nấm rừng mọc dưới tán cây họ Dầu trong rừng.

Mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch. Đây là thời điểm măng và các loại nấm rừng sinh sôi phát triển, tạo việc làm kiếm thêm thu nhập cho một bộ phận dân lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa. Một phần vì cuộc sống khó khăn buộc họ băng rừng mưu sinh, mặt khác đây là nếp sống có từ lâu đời của người dân Tây Nguyên khi họ có thói quen sống dựa vào rừng… Nhờ vậy, cuộc mưu sinh trong rừng sâu vào mùa mưa của đồng bào tuy vất vả, hiểm nguy nhưng vẫn có niềm vui riêng. Họ luôn trông mùa mưa về để được kéo nhau vào rừng “hái lộc”.

Hải Đăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.