Multimedia Đọc Báo in

Vòng luẩn quẩn "giàu con - nghèo của" ở buôn Drang Phốk

07:25, 01/07/2018

Nhiều năm nay, người dân buôn Drang Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) vẫn quẩn quanh với cái đói cái nghèo bởi tình trạng sinh đông con.

Cách trung tâm huyện hơn 35 km, đường sá đi lại khó khăn, buôn Drang Phốk có 99% dân số là người dân tộc thiểu số, toàn buôn có 123 hộ thì có tới 78 hộ nghèo. Mặc dù sống trong đói nghèo song số người sinh con thứ 3 ở đây rất nhiều bởi những quan niệm lạc hậu, cổ hủ như “trời sinh, trời dưỡng”, đẻ nhiều để có người lên rẫy làm việc, sinh đông con cho vui cửa vui nhà… Mặt khác, do trình độ dân trí thấp, không biết tiếng phổ thông nên dù được cán bộ dân số hướng dẫn các biện pháp tránh thai hiện đại, nhưng việc có thai ngoài ý muốn vẫn xảy ra thường xuyên.

Chị  H’Nối Mok cùng  các con trước ngôi nhà sàn xiêu vẹo.
Chị H’Nối Mok cùng các con trước ngôi nhà sàn xiêu vẹo.

Căn nhà sàn xiêu vẹo của gia đình chị H’Nối Mok nằm chơi vơi giữa khu đất trũng. Bên trong nhà hầu như không có gì đáng giá, chỉ có mấy cái xoong nồi đã cũ và một ít gạo được trợ cấp. Năm nay mới 35 tuổi nhưng chị H’Nối đã có tới 6 người con. Kinh tế gia đình trở nên khốn khó hơn khi năm 2013 chồng chị mất vì bệnh ung thư gan khi đứa con út mới chưa đầy 1 tuổi. Chị H’Nối chia sẻ, do không hiểu biết nên mới sinh nhiều con như vậy. Không có đất làm nương rẫy, để kiếm sống qua ngày, hằng ngày chị H’Nối cùng 2 cậu con trai lớn phải đi làm thuê ở các buôn xa từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Thu nhập bấp bênh nên thiếu đói quanh năm, đáng buồn nhất là vì không có tiền, 4 đứa con lớn của chị đều đã nghỉ học.

Do không áp dụng biện pháp tránh thai nào nên vợ chồng anh Y Năng Buôn Krông (42 tuổi) đã liên tiếp có đến 6 người con, mỗi đứa cách nhau chỉ 1-2 tuổi, đứa lớn nhất năm nay 13 tuổi. Đông con, đẻ dày khiến gia đình anh mãi không thoát cảnh đói nghèo. Nhà có 8 miệng ăn, nhưng chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng, hằng ngày ai thuê gì vợ chồng anh làm đó,  từ phụ hồ, bốc vác đến cào cỏ… nhưng số tiền ít ỏi kiếm được cũng không thấm vào đâu, nhiều bữa vẫn phải ăn cơm độn kèm khoai, bắp. Không được chăm sóc chu đáo nên các con của anh còi cọc hơn rất nhiều so với tuổi. Dù được cán bộ dân số nhiều lần đến tư vấn, vận động kế hoạch hóa gia đình, nhưng vợ chồng anh Y Năng vẫn bảo thủ với tư tưởng thích “con đàn cháu đống”, sinh đông con để có người lao động, đỡ đần công việc gia đình.

Sinh đẻ nhiều khiến cuộc sống của nhiều gia đình ở buôn Drang Phốk rất vất vả.
Sinh đẻ nhiều khiến cuộc sống của nhiều gia đình ở buôn Drang Phốk rất vất vả.

 

Ông Y Nô H’Wing, Trưởng buôn Drang Phốk cho biết, hiện toàn buôn có gần 80 phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 trở lên của buôn chiếm gần 70%, nhà nào cũng sinh từ 4-6 người con, số gia đình sinh 1-2 con rất ít. Đa số những gia đình đông con đều rơi vào diện hộ nghèo. 

Để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, thời gian vừa qua, cán bộ dân số xã đã phối hợp với Ban tự quản và cộng tác viên dân số của buôn “gõ cửa” từng nhà, tích cực tuyên truyền, tư vấn nhằm giúp bà con nhận thức được việc sinh nhiều con không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế gia đình, con cái thất học mà còn tác động xấu đến đời sống xã hội. Song hiệu quả vẫn còn thấp bởi rất khó để thay đổi suy nghĩ, quan niệm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay của bà con. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa thưa thớt cũng là những trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình nơi đây.

Việc thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình là vấn đề không thể một sớm, một chiều. Thiết nghĩ, thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình của Đảng, Nhà nước. Có như vậy, chất lượng dân số trên địa bàn mới từng bước được ổn định, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên mới được giảm dần.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.