Multimedia Đọc Báo in

"Đỏ mắt" tìm "sân chơi" cho công nhân lao động

08:35, 30/08/2018

Do thiếu các thiết chế văn hóa – thể thao nên phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu như chỉ mang tính “mùa vụ”…

Mặc dù doanh nghiệp bận rộn với hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng sau khi nhận được công văn mời tham gia các hoạt động của Ngày hội Văn hóa thể thao công nhân do UBND huyện Ea Kar và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện phối hợp tổ chức trong Tháng Công nhân 2018, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Việt Thắng (Cụm Công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar) đã cho công nhân nghỉ 1 ngày làm để tham gia Ngày hội. Theo bà Dung, do mặt bằng khu sản xuất nhỏ, công ty chưa xây dựng được khu thể thao nên công nhân chưa có “sân chơi”. Vì vậy, mỗi khi chính quyền, Công đoàn và các đơn vị tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, công ty đều tạo điều kiện cho công nhân tham gia.

Công nhân lao động Cụm Công nghiệp Ea Đar (huyện Ea Kar) tham gia thi đấu môn kéo co tại Ngày hội Văn hóa thể thao công nhân năm 2018.
Công nhân lao động Cụm Công nghiệp Ea Đar (huyện Ea Kar) tham gia thi đấu môn kéo co tại Ngày hội Văn hóa thể thao công nhân năm 2018.

Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Được thành lập từ năm 2005, đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Công nghiệp và Thương mại Long Vân (Cụm Công nghiệp Tân An 1, TP. Buôn Ma Thuột) đã đi vào ổn định nhưng lãnh đạo đơn vị vẫn chưa xây dựng khu tập luyện thể thao cho công nhân. Chị Đoàn Thị Chính, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty thừa nhận: Công ty mới chỉ lo được phần nào về đời sống vật chất cho công nhân, còn đời sống tinh thần thì gần như bị “bỏ ngỏ”.

 

“Tại Khu Công nghiệp Hòa Phú đã quy hoạch 54 ha để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như: khu dịch vụ, nhà ở công nhân, khu vui chơi thể dục thể thao nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa xúc tiến đầu tư xây dựng. Sắp tới, Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh sẽ làm việc với LĐLĐ tỉnh, đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân”.

 
 
Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Nguyễn Công Cử

Để tạo “sân chơi” giao lưu học hỏi và nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức một số hoạt động như Ngày hội mua sắm, Ngày hội văn hóa thể thao, Tết sum vầy... tại các khu, cụm công nghiệp. Bà Võ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho hay, để nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, các hội thi, hội diễn thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia. Đồng thời yêu cầu các chủ doanh nghiệp cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân...

Nhưng thực tế cho thấy, các hoạt động này còn quá ít so với nhu cầu của người lao động. Chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân Công ty TNHH Công thương Miền Đông (Cụm Công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar) bày tỏ: “Do chưa có khu tập luyện thể thao nên sau giờ làm công nhân chỉ có thể về nhà hoặc tự tạo thú vui như đá bóng, nhậu nhẹt, đánh bi-a, hát hò… Tại hội nghị đối thoại giữa công nhân lao động với lãnh đạo chính quyền huyện Ea Kar năm 2018, nhiều công nhân đã bày tỏ mong muốn, kiến nghị xây dựng khu thiết chế văn hóa- thể thao trong cụm công nghiệp nên hy vọng thời gian tới sẽ được lãnh đạo huyện quan tâm, tìm hướng giải quyết”.

Đại diện Ban Chấp hành CĐCS  Công ty TNHH Công nghiệp và Thương mại Long Vân (bên trái) thăm hỏi tình hình sản xuất,  đời sống của người lao động.
Đại diện Ban Chấp hành CĐCS Công ty TNHH Công nghiệp và Thương mại Long Vân (bên trái) thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của người lao động.

Không chỉ các cụm công nghiệp mà ngay cả Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cũng chưa có khu thiết chế văn hóa – thể thao chung. Ông Nguyễn Công Cử, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh cho hay: 26 doanh nghiệp với trên 870 công nhân đang hoạt động trong khu công nghiệp phần lớn là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên chủ yếu tập trung đẩy mạnh sản xuất để trang trải chi phí hoạt động, thuê mặt bằng, lương thưởng, chế độ cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức hưởng ứng tham gia các phong trào văn hóa, thể thao do Công đoàn các cấp phối hợp tổ chức vào dịp lễ, Tết chứ chưa chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại đơn vị mình. Do thiếu các sân chơi thể thao, ít được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nên đa số công nhân lao động phải tự tìm nơi vui chơi giải trí.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.