Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chính sách cho nạn nhân chất độc da cam: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

09:23, 16/08/2018
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách giải quyết chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/Dioxin) trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng chế độ theo quy định.
 
Năm 1968, ông Trịnh Xuân Vạn (SN 1950, hiện ở thôn Tân Lập 6, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ và đã bị nhiều vết thương trên cơ thể. Cuối năm 1975, ông Vạn xuất ngũ. Năm 1979, ông được cử đi xây dựng cơ sở hạ tầng ở huyện Ea Súp và đến năm 1993 nghỉ hưu.
 
Do ảnh hưởng của các vết thương trong chiến tranh, sức khỏe ông ngày càng giảm sút, thường xuyên đau ốm. Năm 2011, ông đã đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk và được chuyển viện về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây bác sĩ chẩn đoán ông bị “đau dây V phải thần kinh ngoại biên bán cấp tính” và phải phẫu thuật, điều trị trong 9 ngày. Đây là một trong những bệnh nằm trong danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học theo quy định của Bộ Y tế nên ông Vạn đã làm hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền xác nhận, thẩm định để hưởng chế độ. 
 
Ông Trịnh Xuân Vạn  (bìa phải) ở xã  Pơng Drang, huyện  Krông Búk kể về  quá trình làm hồ sơ giải quyết chế độ  cho người tham gia  hoạt động kháng chiến  bị nhiễm  chất độc  hóa học.
Ông Trịnh Xuân Vạn (bìa phải) ở xã Pơng Drang, huyện Krông Búk kể về quá trình làm hồ sơ giải quyết chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Sở Lao động – Thương  binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tiếp nhận hồ sơ của ông Vạn, giới thiệu đến Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để giám định tình trạng bệnh tật, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động làm căn cứ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng Hội đồng Giám định y khoa tỉnh không tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu bổ sung giấy tờ. Lý do vì giấy ra viện của ông Vạn do Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy thừa lệnh Giám đốc bệnh viện ký, đóng dấu của bệnh viện là chưa đúng quy định của Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT- BLĐTBXH của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH (giấy ra viện của Bệnh viện cấp Trung ương hoặc bản tóm tắt bệnh án phải do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc bệnh viện ký, đóng dấu).
 
Ông Vạn đã nhiều lần đến Bệnh viện Chợ Rẫy, được lãnh đạo bệnh viện xác nhận thẩm quyền, chức danh chữ ký tại giấy ra viện nhưng hồ sơ của ông vẫn chưa được giải quyết. Ông Vạn nói trong nước mắt: “Tôi đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, năm nay đã 45 năm tuổi Đảng, sức khỏe ngày càng giảm sút, sống chết cũng chỉ vài năm nữa. Tôi chỉ mong sao các cấp thẩm quyền xem xét, có hướng giải quyết chế độ theo quy định để tôi được bù đắp phần nào những hy sinh, cống hiến của mình”.
 
Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp tìm hiểu quá trình tham gia chiến đấu, làm hồ sơ  giải quyết chế độ của ông Trịnh Xuân Vạn (bìa phải) ở xã Pơng Drang, huyện Krông Búk.
Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp tìm hiểu quá trình tham gia chiến đấu, làm hồ sơ giải quyết chế độ của ông Trịnh Xuân Vạn (bìa phải) ở xã Pơng Drang, huyện Krông Búk.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 5.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 1.943 người hoạt động kháng chiến, còn lại là các đối tượng dân thường và con của họ. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay toàn tỉnh có 1.584 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Đây là những trường hợp có đầy đủ thủ tục hồ sơ và đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định. 
 
“Bản thân và gia đình người bị ảnh hưởng của chất độc da cam phần lớn đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Chế độ trợ cấp của Nhà nước đối với họ đều rất quý, mang ý nghĩa nhân văn, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, vướng mắc, linh hoạt hơn trong quá trình xác nhận, thẩm định hồ sơ để nạn nhân chất độc da cam sớm được thụ hưởng chính sách” - Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh.

Theo ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH, tất cả hồ sơ của những đối tượng hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện theo quy định đều đã được các cấp, ngành thẩm định, nhanh chóng giải quyết chế độ, không để tồn đọng. Những trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc vướng mắc do văn bản quy định đã được trả lời cụ thể. Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ hưởng chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ còn một số khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể, một số trường hợp giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến chỉ ghi phiên hiệu đơn vị, không ghi rõ địa bàn hoạt động nơi Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam; một số quy định về bệnh, tật, dị dạng, dị tật và thủ tục hồ sơ bệnh án, chứng từ điều trị đối với người mắc bệnh chưa phù hợp, còn bất cập… Trong khi đó, phần lớn đối tượng không còn lưu giữ được hồ sơ, lý lịch, giấy tờ liên quan đến người tham gia kháng chiến; công tác giải mã phiên hiệu đơn vị quân đội, xác định địa danh hoạt động kháng chiến còn nhiều khó khăn và chưa được công bố đầy đủ…
 
Cũng theo ông Lê Hải Lý, để giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động – TBXH cần sớm điều chỉnh, bổ sung một số điều trong Thông tư liên tịch số 20/TTLT/2016 và có văn bản hướng dẫn quy định về hồ sơ điều trị bệnh tật, thủ tục giám định; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi đối với những người hoạt động kháng chiến có thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học, những người trong lực lượng vũ trang, dân chính đảng tham gia công tác sau năm 1975 và nên xem xét hỗ trợ đối với những người dân sinh sống tại địa bàn quân đội Mỹ rải chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam.
 
Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.