Multimedia Đọc Báo in

Vượt qua nỗi đau da cam

08:54, 10/08/2018

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương mà nó để lại thì vẫn đang âm ỉ và gây nhức nhối trong cuộc sống của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Mặc dù vậy, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Người thương binh “2 giỏi”

Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn cà phê trồng xen tiêu, cây ăn quả xanh tốt, được quy hoạch bài bản, ông Lương Văn Sâm (SN 1952, hiện ở thôn Ea Kroa, xã Cư Né, huyện Krông Búk) vui mừng: “Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ một thời, tôi không nghĩ rằng mình sẽ có được cơ ngơi như hôm nay”. Theo lời kể của ông, năm 1970, ông tình nguyện nhập ngũ làm lính công binh. Sau 10 năm tham gia chiến đấu khắp các chiến trường miền Trung, ông Sâm trở về đời thường khi đã là một thương binh với tỷ lệ thương tật 24%. Khó khăn càng nhân lên khi con gái thứ 2 của vợ chồng ông bị bệnh tâm thần do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố.

Dù mang thương tật nhưng ông Lương Văn Sâm (thôn Ea Kroa, xã Cư Né, huyện Krông Búk) là gương sáng làm kinh tế giỏi.  Ảnh: N. Xuân
Dù mang thương tật nhưng ông Lương Văn Sâm (thôn Ea Kroa, xã Cư Né, huyện Krông Búk) là gương sáng làm kinh tế giỏi. Ảnh: N. Xuân

Không đầu hàng số phận, ông động viên vợ ra sức làm kinh tế để có điều kiện chăm lo cho các con. Sau nhiều năm gom góp, vay mượn thêm vốn, vợ chồng ông mua được 2 ha đất trồng cà phê. Khi diện tích cà phê trồng trước dần già cỗi, ông phá bỏ trồng xen tiêu và các loại cây ăn quả. Năm 2014 và 2016, được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC/Dioxin) tỉnh và huyện cho vay 50 triệu đồng, gia đình ông đầu tư trồng thêm 500 trụ tiêu và chăm sóc, cải tạo 1,5 ha cà phê. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu được 150 triệu đồng, xây dựng được nhà cửa kiên cố.

Không chỉ năng động, làm kinh tế giỏi, ông Sâm còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Sau nhiều năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Né, năm 2013, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk cho đến nay. Là người phải gánh chịu nỗi đau da cam, ông luôn đồng cảm, chia sẻ và hết lòng giúp đỡ những đồng đội cùng cảnh ngộ. Ông cùng Ban Chấp hành Hội rà soát, nắm rõ hoàn cảnh của 218 hội viên, tích cực vận động đóng góp quỹ để có nguồn lực hỗ trợ những trường hợp khó khăn phát triển kinh tế, tặng sổ tiết kiệm, thăm, tặng quà cho hội viên dịp lễ, Tết… Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Krông Búk Ngô Hồng Phái nhận xét, cựu chiến binh Lương Văn Sâm không chỉ là một người năng động, cần cù, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế gia đình mà còn là một cán bộ hội nhiệt tình, trách nhiệm, quan tâm sâu sát đến hội viên và đã được Trung ương Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen.

Vươn lên bằng nghị lực

Cùng Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đến thăm gia đình nạn nhân Trương Văn Phin (thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), nghe ông kể về những thăng trầm trong cuộc đời, về nỗi đau da cam, mọi người không khỏi xót xa. Năm 1970, ông nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ và đến năm 1977 xuất ngũ. Năm 1978, ông chuyển ngành về công tác tại Ty Lương thực Đắk Lắk, đến năm 1990 nghỉ hưu theo chế độ. Ông không thể ngờ rằng những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho đất nước bản thân đã bị nhiễm chất độc da cam. Người con gái đầu chết sau khi mới sinh được 1 tuần, con gái thứ 3 là Trương Thị Thương năm nay đã 36 tuổi nhưng vẫn trong hình hài của một đứa trẻ lên 3, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở góc giường, mọi sinh hoạt đều cần người chăm sóc. Khó khăn càng thêm chồng chất khi vợ ông bị bệnh ung thư và đã qua đời từ năm 1996, mọi gánh nặng, lo toan cuộc sống, chăm sóc con cái đều do mình ông cáng đáng. Sau vài năm, ông kết duyên cùng một người phụ nữ và sinh thêm một người con.

Ông Trương Văn Phin (bìa trái) ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột kể về quá trình vượt qua khó khăn  để phát triển kinh tế.
Ông Trương Văn Phin (bìa trái) ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột kể về quá trình vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế.

Vợ chồng ông chăm chỉ canh tác 1 ha đất trồng cà phê, tiêu, mỗi năm thu được 3,8 tấn cà phê và 3 tạ tiêu, đồng thời đào ao nuôi cá, kinh doanh, buôn bán thêm nên thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, xây dựng được nhà cửa khang trang. Giờ đây, tuy cuộc sống gia đình đã ổn định nhưng ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn cố gắng làm ăn, vun vén mọi việc để sau này các con có cơ ngơi, điều kiện chăm lo cho người chị tật nguyền. “Tuy gánh chịu nỗi đau lớn nhưng bố con tôi đã được Nhà nước quan tâm, trợ cấp hằng tháng, các ban ngành, đoàn thể, địa phương đã nhận đỡ đầu cháu Thương, thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết. Tôi luôn nghĩ không chỉ gia đình mình mà hàng triệu gia đình người dân Việt Nam đã và đang gánh chịu di chứng của cuộc chiến tranh nhưng không vì thế mà đầu hàng số phận. Đã là Bộ đội Cụ Hồ thì phải nỗ lực vươn lên”, ông Phin bày tỏ.

Lập nghiệp từ tay trắng

Sinh năm 1951 tại Hưng Nguyên (Nghệ An), đến năm 1969 ông Nguyễn Văn Thiện xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn khốc liệt. Sau ngày giải phóng, ông về lại quê nhà, nhưng lại không ngờ đến mình đã bị nhiễm chất độc da cam từ những ngày còn ở chiến trường. Vì mang trong mình di chứng của chất độc ác nghiệt ấy nên sức khỏe của ông luôn đau yếu, hai trong số năm người con của ông bị ảnh hưởng nặng, trong đó một người bị chết khi vừa mới sinh, một người mắc hội chức đầu to, mù, câm điếc và teo cơ toàn thân. Dù chăm chỉ làm lụng, nhưng đất đai cằn cỗi, cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, nên năm 1988 ông đưa gia đình vào thôn 8, xã Ea Đar (huyện Ea Kar) sinh sống. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, lại mang trong mình nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần do di chứng chất độc da cam để lại, nhưng ông vẫn không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, cố gắng làm lụng, chăm bón ruộng rẫy để đảm bảo cuộc sống và nuôi các con khôn lớn. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi ấy, ba người con của ông đã được học hành đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. Ông Thiện và người con bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Hiện gia đình ông đang sống trong ngôi nhà cấp 4 trị giá gần 300 triệu đồng và có 2,5 sào vườn trồng cà phê và cây ăn trái. Nhớ lại giai đoạn khó khăn, ông Thiện chia sẻ, mình đã vượt qua hiểm nguy trong mưa bom bão đạn rồi thì có ngại chi gian khổ nữa, nên quyết tâm phải vượt qua cái nghèo; chỉ cần vợ chồng đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn. So với trước đây những gian truân vất vả đã vơi đi rất nhiều...

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiện  (thôn 8, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) chăm sóc người con bị nhiễm chất độc da cam.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiện (thôn 8, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) chăm sóc người con bị nhiễm chất độc da cam.Ảnh: L.Anh

Quyết tâm gây dựng kinh tế

Tương tự, ông Nguyễn Lưu Đoàn (thôn 3, xã Ea Đar) cũng mang trong mình chất độc da cam khi tham gia chiến trường Tây Nam, để lại di chứng nặng nề là người con thứ hai sinh ra với hình thể không hài hòa, đầu to, tay chân teo nhỏ và đến năm 3 tuổi thì bị bại liệt hoàn toàn. Thời gian đầu, vợ chồng ông ôm con đi khắp nơi chữa bệnh, nhưng khi nhận được kết quả bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hai vợ chồng ông chỉ biết nhìn nhau rồi ôm con khóc. Không chịu đầu hàng số phận, vợ chồng ông quyết tâm gây dựng kinh tế. Để nâng cao hiệu quả canh tác, ông đã đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi những kiến thức về chăm sóc cây trồng. Nhờ bản tính cần cù, ham học hỏi, mô hình sản xuất của ông thường cho năng suất và thu nhập cao hơn so với những mô hình khác ở địa phương. Hiện gia đình ông có  5 sào ao và 2 ha đất trồng 700 trụ tiêu, 1.000 cây cà phê xen 30 cây vải cùng một số loại cây ăn quả khác; hằng năm mang về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Lưu Đoàn (bìa trái) giới thiệu mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Ảnh: L.Anh
Ông Nguyễn Lưu Đoàn (bìa trái) giới thiệu mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Ảnh: L.Anh

Không chỉ gia đình ông Thiện, nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam khác vẫn luôn nỗ lực vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Ông Vũ Mạnh Thu, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ea Kar cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin luôn được Hội quan tâm, chú trọng, xem đây là khâu then chốt và là nhiệm vụ chính. Từ những kết quả chăm sóc của các cấp Hội, sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và bằng sự nỗ lực của bản thân, nhiều hội viên đã vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng; mức sống của hội viên ngày càng được nâng lên, không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo...

Nguyễn Xuân – Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.