Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận từ Hội thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2018 huyện Krông Pắc

09:12, 10/09/2018

Tại Hội thi “Hòa giải viên giỏi” do UBND huyện Krông Pắc vừa tổ chức, 16 thí sinh tiêu biểu được tuyển chọn từ hội thi cấp cơ sở đã có một “sân chơi” bổ ích, cùng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình làm công tác hòa giải ở địa phương.

Đến với hội thi, các thí sinh trải qua 3 phần thi: Giới thiệu; kiến thức, tự luận, tình huống và phần thi Tiểu phẩm. Ở phần thi Giới thiệu, thông qua hình thức sân khấu hóa (thơ ca, hò, vè), thí sinh thể hiện năng khiếu để trình bày, giới thiệu về bản thân cũng như đặc điểm tình hình địa phương nơi công tác. Với thể loại vè gần gũi, thí sinh Ngô Thị Kim Thúy (thị trấn Phước An) đã có màn giới thiệu sinh động, cuốn hút.

Trong khi đó thí sinh H’Ruên Niê (xã Ea Uy) và các bạn phụ diễn đã có tiểu phẩm hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Êđê, thuyết phục hoàn toàn Ban giám khảo cùng khán giả theo dõi. Không màu mè, hoa mỹ, thí sinh Đinh Văn Lợi (xã Hòa Tiến) đã đi thẳng vào vấn đề… Chính nhờ mỗi thí sinh lựa chọn cho mình một hình thức, thể loại giới thiệu khác nhau đã tạo nên những sắc thái riêng, trong bầu không khí sôi động và ấn tượng đối với người xem.

Tiểu phẩm dự thi “Xóa bỏ lời hứa” của xã Ea Hiu.
Tiểu phẩm dự thi “Xóa bỏ lời hứa” của xã Ea Hiu.

Phần thi Kiến thức, tự luận và tình huống là phần thi trọng tâm, đánh giá sự am hiểu kiến thức pháp luật và khả năng vận dụng, xử lý tình huống của các hòa giải viên. Có thể thấy, các thí sinh đều có sự chuẩn bị rất chu đáo, dành nhiều thời gian nghiên cứu bộ câu hỏi của cuộc thi. Các gói câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hòa giải cơ sở… phần lớn thí sinh đều đưa ra đáp án đúng.

Bằng những kiến thức về pháp luật, thí sinh còn vận dụng, thể hiện kỹ năng hòa giải xử lý những mâu thuẫn qua các tình huống mà Ban giám khảo đưa ra. Nhiều mâu thuẫn gia đình, xung đột hàng xóm đã được thí sinh thông minh, khéo léo tháo gỡ, hòa giải thành công. Đơn cử như ở tình huống 13, với vụ việc mâu thuẫn giữa hai gia đình lối xóm, xuất phát từ nguyên nhân một bên gây ô nhiễm môi trường, trên cơ sở đưa ra những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, các thí sinh đã phân tích cho gia đình vi phạm nhận thức được hành vi sai trái, không xả rác bừa bãi, từ đó giữ vững hòa khí, tình nghĩa xóm giềng.

Có thể nói với những tình huống mà Ban giám khảo đưa ra và mỗi thí sinh có một phương pháp giải quyết, xử lý khác nhau, song đều hợp tình hợp lý, các hòa giải viên đã đúc rút ra rất nhiều bài học quý áp dụng vào thực tế công tác hằng ngày. “Qua phần thi này, tôi học hỏi, trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức pháp luật cần thiết cũng như những kinh nghiệm bổ ích trong quá trình làm công tác hòa giải ở địa phương”, thí sinh H’Rôda Ayun (xã Ea Kênh) chia sẻ.

Ban tổ chức tặng Cờ lưu niệm cho các đơn vị dự hội thi.
Ban tổ chức tặng Cờ lưu niệm cho các đơn vị dự hội thi.

Hấp dẫn, sôi nổi và được chờ đợi nhất là phần thi Tiểu phẩm, phần thi được các thí sinh đầu tư công phu, từ kịch bản cho đến trang trí sân khấu cũng như  diễn xuất. 16 tiểu phẩm được các thí sinh thể hiện tại hội thi là 16 tình huống, sự việc mâu thuẫn thường xảy ra, phát sinh trong cuộc sống hằng ngày liên quan đến những vấn đề hôn nhân gia đình, đất đai, môi trường…

Với tiểu phẩm “Lối đi chung”, thí sinh H’Kiếp Kbuôr (xã Ea Knuếc) đưa ra tình huống mâu thuẫn do tranh chấp lối đi giữa hai gia đình cũng như sự phân tích, giải quyết “thấu tình đạt lý” của hòa giải viên đã hóa giải mâu thuẫn giữa những người hàng xóm. Thí sinh Lê Hồng Phong (xã Ea Kuăng) lại phản ánh tệ nạn rượu chè, làm mất hạnh phúc gia đình, qua đó gửi gắm, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, cảnh tỉnh những là người trụ cột của gia đình. Trong khi đó thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Ea Hiu) lại phản ánh tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở một số địa phương qua tiểu phẩm “Xóa bỏ lời hứa” và vai trò của các hòa giải viên trong việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân…

Được biết, hiện nay huyện Krông Pắc có 1.933 hòa giải viên của 284 tổ hòa giải. “Đây là những tuyên truyền viên pháp luật quan trọng, là những người tại địa phương, cơ sở, trực tiếp hòa giải những vụ việc vi phạm pháp luật, mâu thuẫn và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Thị Minh Trinh khẳng định.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các hòa giải viên đã tham gia hòa giải 147 vụ việc mâu thuẫn, trong đó đã hòa giải thành 100 vụ việc. Để bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, trang bị thêm các kiến thức pháp luật, tạo cơ hội cho hòa giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cũng như thiết thực hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, UBND huyện đã tổ chức hội thi từ cấp xã, thị trấn và tuyển chọn được 16 thí sinh tiêu biểu tham gia hội thi cấp huyện. Hội thi khép lại, song với những bài học bổ ích được rút ra tại hội thi, các hòa giải viên sẽ trang bị thêm cho mình những kỹ năng, kiến thức hữu ích để hoàn thành tốt nhiệm vụ là những “cánh chim hòa bình” tại địa phương.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất tập thể cho xã Ea Hiu; xã Ea Knuếc và Ea Kênh đồng giải Nhì; 2 giải Ba thuộc về xã Ea Kly và Ea Phê. Về giải cá nhân, giải Nhất thuộc về thí sinh H’Rôda Ayun (xã Ea Kênh); thí sinh Ngô Văn Dăm (xã Krông Búk) và H’Kiếp Kbuôr đoạt giải Nhì; giải Ba thuộc về 2 thí sinh Nguyễn Huyền Trang (xã Hòa Đông) và Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Ea Hiu).     

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.