Multimedia Đọc Báo in

Giảm sinh con thứ 3 nhờ tuyên truyền, vận động tốt

08:03, 11/09/2018

Nhờ các cán bộ dân số bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở buôn Dliê Ya A (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) đã và đang có những bước chuyển đáng kể.

Lấy nhau ngót nghét 10 năm, vợ chồng anh Hà Văn Khấm và chị Hà Thị Miên, dân tộc Thái, ở buôn Dliê Ya A (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) sinh được 2 con gái, hiện đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Dù người thân trong gia đình vẫn có lời khuyên nên sinh thêm để có đứa con trai “nối dõi tông đường”, nhưng anh chị vẫn quyết tâm “dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”.

Chị Miên chia sẻ: Sau khi sinh con gái thứ 2, nhiều lúc nghe người nói ra, nói vào khi sinh con một bề là gái tôi cũng lung lay lắm. Nhưng nhờ có cộng tác viên của buôn thường xuyên đến thăm, chia sẻ, phân tích cho tôi hiểu sinh con nhiều trong điều kiện gia đình khó khăn chỉ làm khổ con. Rồi nhìn vào thực tế, cuộc sống gia đình tôi chẳng khấm khá gì, cả hai vợ chồng đều đi làm thuê cho người ta nên thu nhập không ổn định, cố gắng chi tiêu tằn tiện mới lo cho 2 con được cái ăn, cái học. Thế nên vợ chồng tôi quyết tâm không sinh nữa, hơn 3 năm nay tôi đã sử dụng biện pháp tránh thai.

Cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A tuyên truyền chính sách dân số -  kế hoạch hóa gia đình tại một hộ dân trên địa bàn.
Cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tại một hộ dân trên địa bàn.

Dù mới có một cậu con trai nhưng vợ chồng chị H’Hép Ksơr và anh Y Bơi Kpă (cũng ở buôn Dliê Ya A) lại chọn cách sử dụng biện pháp tránh thai để giãn khoảng cách giữa các lần sinh nhằm có điều kiện chăm sóc cho con. Hiện cậu con trai đã được 6 tuổi nhưng anh chị vẫn chưa có ý định sinh thêm. Chị H’Hép cho biết: vợ chồng tôi quyết định tạm thời chưa sinh thêm để dồn sức làm kinh tế với mong muốn cho con có cuộc sống tươm tất. Vì thế, khi được cộng tác viên dân số của buôn tư vấn và cung cấp thuốc tránh thai miễn phí, tôi đã sử dụng và thấy khá phù hợp với bản thân. Bây giờ cả hai vợ chồng tôi đều mới gần 30 tuổi nên dự định sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai này thêm một thời gian nữa rồi mới sinh con thứ hai.

 
“Toàn buôn hiện có 141/215 chị em trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đáng nói, nhiều chị em dù không thuộc diện được cung cấp miễn phí nhưng vẫn tự nguyện mua dụng cụ tránh thai về sử dụng để thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.
 
Chị Nguyễn Thị Sương , cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A 

Các chị Hà Thị Miên, H’Hép Ksơr chỉ là 2 trong rất nhiều chị em ở buôn Dliê Ya A có được những suy nghĩ tích cực trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Kết quả này không phải ngẫu nhiên có được mà đó là thành quả của sự bền bỉ tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ làm dân số nơi đây. Chị Nguyễn Thị Sương, cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A bộc bạch: Thời gian trước tình trạng sinh con thứ 3 ở buôn xảy ra khá nhiều và buôn Dliê Ya A được xem là một trong những điểm nóng của xã về tình trạng sinh con thứ 3.

Trước thực tế này, ngay khi tiếp nhận công việc của một cộng tác viên dân số, từ 2 năm trước tôi đã thường xuyên tiếp cận với các chị em, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số và những chị em sinh con một bề để vận động họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Thời gian đầu các chị em còn khá e ngại khi chia sẻ những chuyện phòng the, thầm kín cũng như khá lạ lẫm khi nghe tôi nói về các biện pháp tránh thai hiện đại. Nghe nhiều thành quen, qua những lần tuyên truyền, tư vấn ấy, dần dần các chị em cũng đã mạnh dạn chia sẻ “chuyện tế nhị” và chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai. Đặc biệt, nhiều gia đình sinh con một bề cũng dần thay đổi suy nghĩ “cần con trai để nối dõi tông đường”, quyết tâm chỉ sinh hai con để có điều kiện nuôi dạy tốt…

Chị Nguyễn Thị Sương, cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A hướng dẫn chị em cách sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày.
Chị Nguyễn Thị Sương, cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A hướng dẫn chị em cách sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày.

 Theo chị Chu Thị Sen, cán bộ chuyên trách dân số xã Dliê Ya, để có được những đổi thay tích cực trong công tác dân số ở buôn Dliê Ya A, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép trong buổi họp của buôn, cộng tác viên dân số còn chủ động tiếp cận đến từng hộ gia đình, trong đó tập trung chủ yếu vào những cặp vợ chồng chưa áp dụng các biện pháp tránh thai hoặc sinh con một bề để tuyên truyền, vận động riêng. Nhờ đó, thời gian gần đây tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở buôn Dliê Ya A đã có chuyển biến tích cực. Năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 của buôn là 15%, thấp hơn mức bình quân chung của toàn xã (trên 16%). Còn trong 8 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này được duy trì ở mức 10%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của xã (15,5%).

Có thể thấy, bằng những phương thức tuyên truyền, vận động kịp thời và đúng đối tượng, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đang từng bước đi vào cuộc sống của người dân buôn Dliê Ya A.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.