Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

08:46, 29/10/2018

Chủ động, linh hoạt lựa chọn ngành nghề, mở các lớp đào tạo phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương đã giúp công tác dạy nghề trên địa bàn huyện Krông Pắc có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu và nâng cao tay nghề, giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắc đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động. Trung tâm cũng tích cực phối hợp với các xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách trong vấn đề học nghề...

Ở xã Ea Knuếc, công tác đào tạo nghề đã đến được từng thôn, buôn với những ngành nghề khác nhau như: sửa chữa xe máy, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y... Mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đã mở lớp dệt thổ cẩm cho 35 học viên là thanh niên và người trung niên ở buôn Kreh A. Kết thúc khóa học sau 3 tháng, các học viên đều có thể tự tay mình dệt những bộ thổ cẩm truyền thống, khăn địu, chăn, hay những chiếc túi, ví để phục vụ nhu cầu trong gia đình và cả khách hàng đến đặt mua. Em H’Thanh Tình Ayun (buôn Kreh A) hào hứng nói: “Từ nhỏ em đã rất thích nghề dệt thổ cẩm nhưng do gia đình khó khăn, không có người truyền dạy nên không được học. Sau khi tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, em đã dệt và bán được 1 bộ áo váy nên rất vui. Hiện tại em đang dệt áo quần cho các thành viên trong gia đình”.

Ông Trần Văn Minh (bên phải) trao đổi kỹ thuật trồng tiêu với cán bộ Hội Nông dân xã.
Ông Trần Văn Minh (bên phải) trao đổi kỹ thuật trồng tiêu với cán bộ Hội Nông dân xã.

Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều người đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông Trần Văn Minh (thôn Tân Hòa 2) chia sẻ: Sau khi được tham gia lớp kỹ thuật trồng trọt, ông đã nắm vững kỹ thuật chọn giống, chuẩn bị đất trồng; cách nhận biết các triệu chứng và phương pháp phòng, chữa một số bệnh thường gặp trên cây hồ tiêu; cách sử dụng có hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật chiết, ghép cành để cải tạo năng suất, chất lượng cây trồng… Ông đã vận dụng những kiến thức được học vào việc trồng và chăm sóc vườn cà phê và tiêu gần 1 ha của gia đình. Đến nay, vườn cây phát triển xanh tốt, ít nhiễm sâu bệnh, hứa hẹn một mùa bội thu.

Hay như ở xã Ea Phê, bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các tổ chức đoàn thể còn tích cực tìm kiếm, hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo đó, các ngành nghề được chú trọng mở lớp như: chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nổ, trồng và khai thác nấm, may công nghiệp… và tỷ lệ học viên sau khi ra nghề có việc làm rất cao. Cụ thể như với nghề may dân dụng, ngoài một số học viên sau khi tốt nghiệp tự mở cửa hàng may tại địa phương thì đã có trên 100 học viên được Đoàn xã phối hợp giới thiệu đến làm việc tại các công ty may ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang...

Em H'Thanh Tình Ayun dệt quần áo cho các thành viên trong gia đình.
Em H'Thanh Tình Ayun dệt quần áo cho các thành viên trong gia đình.

Theo bà Hoàng Thị Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắc, các ngành nghề được đào tạo đều gắn với nhu cầu thực tế ở từng thôn, buôn nên hiệu quả mang lại khá rõ rệt, từng bước nâng cao nhận thức, định hướng cho người dân về việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, ổn định cuộc sống. Điều đặc biệt là đối với một số lớp dạy nghề như dệt thổ cẩm, mây tre đan, ngoài việc tạo việc làm cho người dân còn góp phần cùng các địa phương bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ ngày càng mai một…

Trong năm 2018, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắc đã mở được 7 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tỉnh hỗ trợ 1 lớp và nguồn kinh phí của UBND huyện tổ chức 6 lớp với 210 học viên gồm các ngành nghề đào tạo như: trồng trọt, chăn nuôi bò, dệt thổ cẩm, nấu ăn…

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.