Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở huyện Krông Bông

08:27, 19/11/2018

Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vùng sâu Krông Bông vẫn còn cao so với cả tỉnh. Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao hơn nhiều so với tỷ lệ người nghèo dân tộc Kinh.

Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông, năm 2018, trên địa bàn huyện có 7.686 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,95%, cao hơn 2,33 lần so với tỷ lệ chung của cả tỉnh và có 4.752 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 22,23%, cao hơn 2,27 lần so với tỷ lệ chung của cả tỉnh. Trong số 7.686 hộ nghèo thì có đến 4.526 hộ nghèo người DTTS, chiếm tỷ lệ 58,89 % so với tổng số hộ nghèo của huyện. Những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm tỷ lệ cao là Dang Kang, Yang Reh, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao…

Ngôi nhà tạm bợ của gia đình chị H’Chor Byă ở buôn Cư Păm, xã Dang Kang.
Ngôi nhà tạm bợ của gia đình chị H’Chor Byă ở buôn Cư Păm, xã Dang Kang.

Thời gian qua, huyện Krông Bông đã tích cực triển khai các dự án, chương trình giảm nghèo bền vững, tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi để giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS... song hiệu quả còn hạn chế. Theo ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên nhân là do nhận thức của người dân về chính sách xóa đói giảm nghèo chưa đầy đủ, hơn nữa bản thân họ lại chưa nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo. Bên cạnh đó, sự hạn chế về ngôn ngữ, tâm lý tự ti, mặc cảm của một bộ phận không nhỏ người DTTS đã ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo trên địa bàn. Ở nhiều địa phương, những phong tục tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn, sinh nhiều con... vẫn còn xảy ra đã trở thành gánh nặng cho công tác giảm nghèo.

 

Ngoài nguyên nhân khách quan đến từ người dân cũng phải kể đến năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo của nhiều cán bộ còn hạn chế. Do đó, kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo vẫn còn cao.”

 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Đinh Văn Long

Gia đình chị H’Chor Byă ở buôn Cư Păm, xã Dang Kang là hộ nghèo từ hơn 10 năm nay.Chị H’Chor cho biết, gia đình có 5 sào đất đồi, nhưng do đất bạc màu nên chỉ trồng được điều với sắn, thu nhập không đủ trang trải cho sinh hoạt hằng ngày và nuôi các con ăn học. Đứa con trai đầu năm nay mới 14 tuổi nhưng đã phải nghỉ học đi làm thuê cùng cha mẹ để phụ nuôi 2 em. Phó Chủ tịch UBND xã Dang Kang Phan Thanh Cẩm trăn trở: “Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS ở Dang Kang chiếm tới 84% tổng số hộ nghèo của xã. Ngoài nguyên nhân ít đất sản xuất, chậm áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thời tiết thất thường gây ảnh hưởng năng suất cây trồng thì nguyên nhân cơ bản nhất khiến tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS cao là do người dân chưa chủ động vươn lên thoát nghèo mà chủ yếu là trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước".

Tương tự, xã Yang Reh có 530 hộ DTTS thì có đến 321 hộ nghèo (chiếm 60,56%). Đặc biệt, ở 4 buôn người DTTS trên địa bàn là buôn Cuăh A, Cuăh B, Yang Reh, Trôk Ăt tỷ, lệ hộ nghèo đều chiếm trên 94%. Gia đình chị H’Blim Byă ở buôn Yang Reh là một trong những hộ nghèo lâu năm của xã. Mới 31 tuổi nhưng H’Blim đã có đến 5 mặt con. Gia đình không có đất sản xuất, 2 vợ chồng đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Cái nghèo đeo bám gia đình họ suốt nhiều năm qua không thoát ra được. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yang Reh Huỳnh Tấn Lĩnh thì gia đình chị H’Blim Byă cũng là thực trạng chung của các hộ nghèo người DTTS trên địa bàn mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đất sản xuất, sinh con đông...

Nhiều hộ nghèo DTTS ở buôn Cư Êmông (xã Dang Kang) đang phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát.
Nhiều hộ nghèo DTTS ở buôn Cư Êmông (xã Dang Kang) đang phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Văn Long, để góp phần giảm nghèo hiệu quả, bền vững trong vùng đồng bào DTTS, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, đòi hỏi phải có quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chính vì vậy, huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xem đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, liên tục để người dân tự ý thức vươn lên, không chấp nhận cảnh đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác sẽ đẩy mạnh tập huấn, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực giảm nghèo cho người dân, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư để thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.