Multimedia Đọc Báo in

Nợ nần sau bão

07:54, 05/11/2018

Xảy ra cách đây gần 1 năm song đến nay cơn bão số 12 năm 2017 vẫn để lại hậu quả nặng nề đối với người dân xã Yang Mao (huyện Krông Bông).

Cơn bão đi qua đã làm 106 ngôi nhà bị đổ và gần 465 ngôi nhà của bà con người M’nông, Êđê trên địa bàn xã Yang Mao bị tốc mái, hư hỏng; hàng trăm héc-ta hoa màu bị cuốn trôi. Sau cơn bão, đã có hàng trăm cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân đến thăm, tặng quà, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão. Chính quyền xã Yang Mao cũng đã tiếp nhận và cấp phát 2,65 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 136 (Nghị định 136/2013/NĐ-CP, ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội) và 1,06 tỷ đồng từ Ủy ban MTTQVN huyện Krông Bông giúp người dân xây dựng, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng sau bão. Đến nay, việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân ở Yang Mao đã cơ bản hoàn thành, song rất nhiều hộ dân lại lâm vào cảnh nợ nần vì phải vay thêm tiền để làm lại nhà mới.

Vợ chồng anh  Y Nhân Byă  (buôn Kuanh)  vẫn phải sống trong căn nhà tạm  lụp xụp  do chưa  có tiền  để làm
Vợ chồng anh Y Nhân Byă (buôn Kuanh) vẫn phải sống trong căn nhà tạm lụp xụp do chưa có tiền để làm.

Tại buôn Kiều, 60 ngôi nhà bị đổ và tốc mái cơ bản đã được xây dựng và sửa chữa xong. Có nhà mới khang trang, chắc chắn nhưng đa số các hộ đều phải vay mượn thêm hàng chục triệu đồng. Đơn cử như gia đình anh Y Viên Byă đầu năm 2017 được tặng một ngôi nhà Đại đoàn kết trị giá gần 70 triệu đồng; trong đó, tiền hỗ trợ là 50 triệu đồng, gia đình vay mượn 20 triệu đồng thêm vào để xây nhà. Mới dọn vào ở được hơn 6 tháng thì cơn bão số 12 quét qua, san bằng ngôi nhà. Vừa qua, gia đình anh Y Viên được hỗ trợ 20 triệu đồng từ nguồn Nghị định 136 và 10 triệu đồng từ nguồn của Ủy ban MTTQVN huyện để xây lại ngôi nhà khác. Anh phải vay mượn thêm 30 triệu đồng mua vật liệu và trả tiền công xây nhà. Trong khi đó, do ảnh hưởng bão và thời tiết nên hai vụ vừa qua, rẫy nương bị mất mùa. Anh Y Viên than thở: “Nợ cũ chưa trả được, nay lại chồng thêm nợ mới, thêm tiền vay mua giống, phân bón lên đến 70-80 triệu đồng, chưa biết lấy đâu ra để trả”.

Buôn Tar có 50 hộ thì có đến 30 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Cơn bão số 12 đã làm 47 ngôi nhà bị sập và tốc mái. Đến nay, hầu hết bà con đã làm mới và sửa sang lại nhà song đa số đều phải vay thêm tiền mới đủ chi phí, người ít thì nợ chục triệu, người nhiều lên đến 60-70 triệu đồng. Ông Y Phí M’drang, Trưởng buôn Tar cho biết: “Do tiền hỗ trợ từ Nghị định 136 và Ủy ban MTTQVN huyện không đủ để xây mới và sửa chữa nhà cửa, 100% hộ trong thôn đều vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội; nhiều hộ phải mượn thêm tiền của các tiểu thương với lãi suất cao”.

Ông Ama Nhun (buôn Tar) vừa làm xong ngôi nhà sàn mới nhưng vẫn còn nợ hàng chục triệu đồng.
Ông Ama Nhun (buôn Tar) vừa làm xong ngôi nhà sàn mới nhưng vẫn còn nợ hàng chục triệu đồng.

Ở xã Yang Mao có 9 gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị đổ nhà được các cơ quan, tổ chức hỗ trợ xây dựng nhà mới với kinh phí từ 50 - 70 triệu đồng. Tuy nhiên, các hộ này cũng đã vay mượn hàng chục triệu đồng thêm vào mua vật liệu để xây dựng ngôi nhà chắc chắn hơn, nhưng khó có khả năng trả nợ. Đặc biệt, trên địa bà xã hiện vẫn còn vài hộ chưa thể làm lại nhà do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể vay được tiền. Như gia đình anh Y Nhân Byă ở buôn Kuanh đã được hỗ trợ 14 triệu đồng song vẫn chưa thể làm được nhà mới. Vợ chồng anh và 3 đứa con vẫn đang phải ở trong ngôi nhà tạm diện tích 20 m2. Anh Y Nhân cho biết: “Chưa tính tiền công thợ, để làm lại được ngôi nhà sàn gỗ thì ít nhất phải có khoảng 70 triệu đồng, trong khi gia đình tôi khó khăn quá, tiền vay ngân hàng trước đây chưa trả được nên giờ không biết phải vay mượn ở đâu”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.