Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Vẫn phổ biến quan niệm "tránh thai là việc riêng của phụ nữ"

09:11, 14/12/2018

Hiện nay, số lượng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở huyện Cư M’gar áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều; tuy nhiên, phần lớn nhiệm vụ này vẫn do người vợ đảm nhận, còn các ông chồng “gánh vác” việc tránh thai chiếm tỷ lệ rất thấp. Điều này, cho thấy sự thiếu công bằng trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Như nhiều ông chồng khác ở địa phương, quan niệm tránh thai là việc của phụ nữ đã ăn sâu trong tiềm thức của anh Y.B (xã Cư Suê). Điều đáng nói, anh cũng không cho vợ mình là chị H.N sử dụng biện pháp tránh thai nào. Đang trong độ tuổi sinh đẻ nên việc có thai với chị H.N khá dễ dàng, những đứa trẻ cứ thế lần lượt ra đời, có những đứa cách nhau chưa đến một năm. Vì vậy, đến nay dù mới hơn 40 tuổi nhưng vợ chồng anh Y.B và chị H.N đã có đến 9 người con, đứa lớn năm nay 16 tuổi và nhỏ nhất chỉ mới hơn hai tuổi rưỡi. Đông con, đất sản xuất ít nên kinh tế gia đình rất khó khăn, vợ chồng anh Y.B không có điều kiện chăm lo cho các con học hành, 3 đứa con đầu đã phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy và chăm sóc cho các em. Sau nhiều lần được vận động, thuyết phục, mới đây anh Y.B mới đồng ý cho vợ sử dụng các biện pháp tránh thai.

Chị Triệu Thị Kim Liên, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Cư Suê (phải) tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ cho một hộ dân.
Chị Triệu Thị Kim Liên, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Cư Suê (phải) tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ cho một hộ dân.

Theo thống kê của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M’gar, tính đến nay, toàn huyện có hơn 23.740/32.925 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai (chiếm 72,1%). Trong đó, chỉ có 2.197 cặp là do người chồng thực hiện tránh thai với các biện pháp là triệt sản và sử dụng bao cao su (chiếm hơn 9,2%). Điều đáng nói, trong 2.197 cặp do người chồng áp dụng biện pháp tránh thai thì triệt sản nam chỉ có 5 trường hợp, trường hợp gần nhất được thực hiện vào năm 2013; từ đó đến nay dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa có thêm trường hợp nào.

Thực tế tại các địa phương cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc các ông chồng sử dụng các biện pháp tránh thai chưa nhiều là do nhiều người vẫn còn nặng quan niệm tránh thai là việc của phụ nữ hoặc chưa hiểu đúng về các biện pháp tránh thai, nhất là biện pháp triệt sản, sợ áp dụng sẽ làm mất đi “phong độ đàn ông”…

Nói về nguyên nhân dẫn đến các biện pháp tránh thai chưa được các ông chồng thực hiện phổ biến, chị Triệu Thị Kim Liên, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Cư Suê cho biết: “Ngoài vận động chị em, chúng tôi cũng chú trọng đến đối tượng là các ông chồng. Tuy nhiên, việc vận động gặp rất nhiều khó khăn, khi nghe đến vấn đề này thì các ông chồng hầu như không muốn nghe bởi mặc định đây là nhiệm vụ của người vợ, hay sợ mất đi "phong độ" khi áp dụng biện pháp triệt sản nam. Do vậy, dù những năm gần đây số lượng các ông chồng thay vợ sử dụng biện pháp tránh thai có tăng nhưng không đáng kể. Trong tổng số hơn 1.500 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai thì chỉ có 206 trường hợp do các ông chồng thực hiện”.

Đề cập về vấn đề này, bà Trần Thị Huấn, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ea Kuêh chia sẻ: “Việc vận động các ông chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ở xã Ea Kuêh cũng rất khó, nhất là đối với những hộ dân tộc thiểu số. Trong hơn 1.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai thì chỉ có 75 cặp là do các ông chồng thực hiện, với biện pháp chủ yếu là sử dụng bao cao su, chỉ chiếm hơn 7,3%”.

Việc các ông chồng xem nhẹ thực hiện kế hoạch hóa gia đình là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sinh con thứ ba trở lên tại nhiều địa phương của huyện Cư M’gar vẫn còn phổ biến, thậm chí có nhiều gia đình có đến 7 - 8 người con…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.