Multimedia Đọc Báo in

Những "Bao công" đời thường

14:36, 29/12/2018
Hòa giải viên ở cơ sở được ví như “người vác tù và hàng tổng”. Phiên xử của những “Bao công” này tuy không diễn ra ở chốn pháp đình, nhưng với lối xử án tài tình, họ đã khiến bà con nông dân phải tâm phục khẩu phục.

Về thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) chúng tôi được nghe ông Trịnh Bá Tuấn say sưa kể chuyện hòa giải. Ấn tượng đầu tiên đối với ông Tuấn là chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, dễ gây thiện cảm với người nghe mà ông vẫn hay đùa là “vũ khí” của riêng mình trong việc hòa giải. Ông bảo nghề hòa giải cứ tưởng dễ mà lại rất khó. Cái nghề ấy đòi hỏi những hòa giải viên vừa phải nắm vững chính sách pháp luật, lại phải tế nhị hài hòa, phân tích có lý, hợp tình mới khiến các bên tranh chấp xoa dịu được không khí căng thẳng.

Kể về việc hóa giải thành công mối mâu thuẫn của “vụ án” cái giếng chung giữa hai nhà bà An Thị Thanh Thủy và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, ông Tuấn cho biết, tổ hòa giải phải ròng rã suốt mấy ngày tới nhà để khuyên nhủ, phân tích và quan trọng hơn cả là tác động tâm lý, khơi gợi tình cảm làng xóm. Chính từ “chiến thuật” mưa dầm thấm lâu cộng với sự kiên trì, nhẫn nại, phân tích có lý, có tình của ông và các thành viên trong tổ hòa giải, cuối cùng bà Thúy đồng ý không lấp giếng nhưng sẽ xây hàng rào ngăn cách, đồng thời nếu có ý định sửa giếng thì sẽ phải đàm phán với đôi bên.

Chị Lê Thị Kim Hương đoạt giải Nhất cuộc thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Đắk Lắk năm 2018”.
Chị Lê Thị Kim Hương đoạt giải Nhất cuộc thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Đắk Lắk năm 2018”.

Đối với ông Tuấn, tham gia hòa giải xem như “mỗi tuần một chuyện”, bởi không gia cảnh nào giống nhau, nhưng đáng buồn nhất là những câu chuyện xuất phát từ cái nghèo. Điển hình như chuyện của vợ chồng ông M. bà T.; gia cảnh khó khăn cùng với việc hai người con trai đều bị tâm thần khiến đôi bên cự cãi và đổ lỗi cho tâm linh của hai bên gia đình không thuận. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi người con đầu phát bệnh nặng và bà T. bỏ vào rẫy sống. Hiểu được hoàn cảnh này, ông Tuấn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hóa giải những bức xúc, giúp cho vợ chồng dần “gương vỡ lại lành”.

Mặc dù mới chính thức tham gia công tác hòa giải được một năm nhưng chị Lê Thị Kim Hương (sinh năm 1991) luôn cảm thấy “dòng máu hòa giải” đã ăn sâu bám rễ vào chị từ lâu. Khi làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Tân Lập 4 (xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk), thường xuyên có cơ hội tiếp xúc cùng mọi người, sát sao nhiều công việc trong thôn, chị dần trở thành cái tên được người dân nhờ cậy để hòa giải.

Chuyện bắt đầu từ bốn năm về trước, khi chiếc lò sấy cà phê của nhà ông H. xây trong khu dân cư làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con do người dân hít nhiều khói sấy. Chị Hương đã quyết định đại diện các hộ dân sống xung quanh lò sấy sang đàm phán và thuyết phục ông H. nhanh chóng di dời lò sấy xa khu dân cư. Trước khi tiến hành hòa giải, chị đã tìm hiểu kỹ khó khăn của đôi bên để gỡ rối. Cuối cùng, sau ba ngày kiên trì thuyết phục, ông H. đã đồng ý di dời ngay lò sấy khi có quyết định của chính quyền xã và sẽ sấy theo thời gian cụ thể mà người dân xung quanh thống nhất.

Đầu năm 2018, chị Hương được bầu vào tổ hòa giải của thôn. Bề dày thâm niên chưa nhiều, chị cùng các hòa giải viên trong tổ đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nói về cách làm việc của bản thân, chị Hương chia sẻ: “Trong tổ hòa giải chỉ có mình là nữ trẻ tuổi nhất. Người già có thể nhiều người hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán nhưng bây giờ cần phải kết hợp cả kiến thức về pháp luật, xã hội thì cuộc hòa giải mới thành công”.

Mới đây, chị Hương vinh dự là đại diện của huyện Krông Búk tham dự cuộc thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Đắk Lắk năm 2018”. Tại đây, tiểu phẩm “Lò sấy” từ câu chuyện có thật trên do chị và các thành viên trong tổ hòa giải xây dựng đã được thể hiện để tham gia tranh tài. Sự so sánh “điếu thuốc hút” với “ống khói lò sấy” đã trở thành một trong những điểm nhấn gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo. Bằng tài năng và sự nỗ lực của mình, hòa giải viên trẻ Lê Thị Kim Hương đã xuất sắc dành giải Nhất cuộc thi.

Chẳng có bản án, quyết định với con dấu, nơi phân xử cũng không phải chốn pháp đình, nhưng việc giải quyết lại được các bên chấp thuận vì nó hợp lý, hợp tình. Những hòa giải viên ở cơ sở đã dập tắt những mâu thuẫn, tranh chấp mới manh nha từ trong trứng nước, góp phần vun đắp cho tình làng nghĩa xóm thêm thân thiết, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Băng Châu

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.