Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng người vô gia cư

07:31, 12/01/2019

Hơn một năm qua, cứ đến tầm 11 giờ đêm thứ bảy hằng tuần, chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt và những người bạn lại lặng lẽ đi khắp các ngõ hẻm ở TP. Buôn Ma Thuột để mang đồ ăn đến với những người vô gia cư...

Buôn Ma Thuột một đêm cuối tuần, gió rít từng cơn buốt lạnh. Trong ngôi nhà 08 Y Khu (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) chị Nguyệt và 5 người bạn cẩn thận chia 70 phần quà, gồm bánh mì ngọt, sữa và nước. Đúng 11 giờ, mọi người bắt đầu xuất phát. Vào thời điểm này, dù ra đường có thể gặp nguy hiểm, nhưng theo kinh nghiệm của họ, đây là lúc những người vô gia cư đã kết thúc một ngày mưu sinh và “ổn định chỗ ở" nên dễ tiếp cận.

Chị Nguyệt kể, trong một lần đi làm về khuya, bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trong góc tối, thế là chị nảy ra ý tưởng mua đồ ăn trao cho họ vào tối thứ bảy hằng tuần. Hai tháng đầu, chị thực hiện một mình. Sau đó, nhờ kêu gọi trên mạng xã hội, chị đã có thêm những người bạn đồng hành cùng đóng góp để thực hiện công việc thiện nguyện này. Ngoài những phần quà định kỳ là thực phẩm, thi thoảng nhóm còn gửi tặng thêm chăn, màn, áo quần...

Một cụ già vui mừng đón nhận phần quà.
Một cụ già vui mừng đón nhận phần quà.

Chúng tôi theo chân chị Nguyệt dừng đến ngã ba đường Lê Duẩn - Y Wang. Bên lề đường có một người đàn ông nhỏ thó nằm thu mình trong chiếc chăn mỏng, bên cạnh là chiếc xe đạp cũ kỹ chở một bao đầy chai lọ, giấy báo cũ. Thấy có người tiến lại gần, ông ngồi dậy và mừng rỡ khi nhận ra người quen. Anh Nguyễn Văn Thống, thành viên tham gia việc phát quà ân cần hỏi: “Mấy hôm nay chú có mệt không, sức khỏe đã đỡ chưa?”. Sau khi gửi phần quà, họ trao nhau những câu chuyện thân tình, những cử chỉ động viên như người thân thuộc. “Họ là những người có hoàn cảnh đặc biệt nên trong cách tiếp cận phải tế nhị. Chúng tôi phải tâm sự, hỏi han xem họ sống thế nào, có thiếu gì, cần giúp gì không?... Như thế, họ sẽ thấy mình được quan tâm, tôn trọng”, anh Thống chia sẻ.

Quay ngược lại đầu đường Lê Duẩn, chúng tôi gặp một người đàn ông trung niên đang cẩn thận phân loại những chai lọ bên lề đường. Chị Nguyệt cho biết người này tên Dũng, quê ở Nghệ An. Trước kia ông làm nghề thợ xây, cách đây 3 năm bị té gãy tay nên phải bỏ nghề, chuyển sang lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Tối ông ngủ nhờ trước nhà dân. Thấy những “người bạn” của mình, ánh mắt ông rạng rỡ hẳn lên: “Đợi các bạn nãy giờ!”. Trông cử chỉ và cách trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được rằng, ông "đợi" chẳng phải chỉ để nhận thực phẩm, mà hơn thế, là để đón nhận một điều gì đó ấm áp hơn!

Những suất quà nhỏ làm ấm lòng người trong đêm đông.
Những suất quà nhỏ làm ấm lòng người trong đêm đông.

Cứ thế, sau hơn hai tiếng đồng hồ dạo quanh các trục đường, con hẻm giữa đêm đông giá rét, những phần quà được trao cho người vô gia cư chân thành và ấm áp như vậy. Chị Nguyệt chia sẻ thêm: "Công việc này cần phải kiên trì, nhẫn nại, vì họ không có chỗ ở cố định, nhất là vào những ngày mưa, rất khó tìm thấy họ".

Nhờ tham gia cùng nhóm của chị Nguyệt trong một đêm phát quà, chúng tôi đã được chứng kiến một "cuộc sống khác" về đêm, nơi mà khái niệm “nhà” được mở rộng ra rất nhiều. Với người vô gia cư, “nhà” có thể là ghế đá công viên, vỉa hè, thềm các cửa hàng đã đóng, hay là trụ rút tiền tự động.... Không như nhiều người nghĩ, phần lớn người vô gia cư đều bỏ sức lao động để mưu sinh, dẫu đó chỉ là lượm ve chai.

Giữa cuộc mưu sinh nhọc nhằn, cuộc sống vô gia cư lạnh lẽo cô đơn với đầy rẫy những hiểm nguy rình rập ấy, may thay vẫn còn những tấm lòng thiện nguyện sẵn sàng tiếp thêm động lực giúp họ vững tin hơn vào ngày mai...!

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.