Multimedia Đọc Báo in

Chợ thực phẩm "đìu hiu" ngày cận Tết

22:22, 30/01/2019

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nguồn cung thực phẩm tại các chợ trên địa bàn rất phong phú, đa dạng nhưng sức mua lại không tăng nhiều, trái ngược với hình ảnh mua bán tấp nập ở thời điểm này của những năm về trước.

Mất mùa, người dân dè sẻn chi tiêu

Vào những ngày này của năm trước, cửa hàng tạp hóa Công Cườm (ở khu vực chợ huyện Lắk) đã rất nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Còn năm nay, dù hàng hóa Tết đã được chuẩn bị rất kỹ với nguồn hàng dự trữ lớn, các mặt hàng phong phú về chủng loại, đặc sắc về mẫu mã nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Chị Lê Thị Cườm, chủ cửa hàng cho biết: “Năm nay hàng Tết rất ế ẩm. Đến hiện tại sức bán ra của cửa hàng chỉ đạt khoảng 30% so với năm ngoái. Hàng hóa bán Tết được gia đình tôi chuẩn bị rất nhiều, mọi năm vào những ngày này 4 - 5 nhân viên bán không kịp trở tay, năm nay thì toàn “ngồi chơi xơi nước”. Nếu sức mua cứ bình quân như những ngày qua e là hàng sẽ bán không hết”.

Những gian hàng thực phẩm Tết ở chợ Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ lác đác người mua.
Những gian hàng thực phẩm Tết ở chợ Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ lác đác người mua.

Sức tiêu thụ chậm là tình trạng chung ở khu vực kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm ở chợ huyện Lắk. Nhiều sạp hàng đã sắp xếp, cơi rộng diện tích trưng bày thực phẩm, thuê thêm người bán hàng, nhưng chẳng ai ngờ chợ Tết lại đìu hiu vắng khách.  Nhiều tiểu thương tại đây cho biết, năm nay hình như người dân ăn Tết tiết kiệm hơn, nên cận Tết mà vẫn “ế” hàng. Người bán thì lo ngay ngáy khi nhập hàng nhiều không có người mua, còn người đi chợ Tết cũng không mấy hào hứng với hàng Tết. Chị Võ Thị Ngọc Loan, thôn Hòa Bình 3, xã Đắk Liêng, huyện Lắk cho biết: “Năm nay giá cà phê hạ, tiêu thì mất mùa, lúa thì bị ngập, sạ đi sạ lại 2 – 3 lần vẫn chưa đâu vào đâu, nông dân chúng tôi chẳng còn tâm trạng mà ăn Tết. Mất mùa, thu nhập giảm mạnh thì đương nhiên đón Tết cũng phải hạn chế hơn mọi năm. Năm nay đi chợ Tết, tôi chỉ mua những thực phẩm thiết yếu, còn bánh kẹo các thứ thì chỉ mua chút đỉnh cho có Tết thôi”.

Cạnh tranh cùng siêu thị

Trong khi tiểu thương chợ huyện đứng ngồi không yên khi “vắng khách” do mùa màng thất bát, thì tại các chợ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tình trạng “vắng bóng” người mua còn do người dân dồn sức mua vào các siêu thị, đại lý lớn. Dạo một vòng tại khu vực thực phẩm ở các chợ Trung tâm thành phố, điều dễ nhận thấy của chợ Tết là thực phẩm được bày bán vô cùng phong phú, đủ chủng loại từ hàng công ty, hàng nhập ngoại cho đến sản phẩm thủ công đều có sẵn. Thế nhưng, dù đã là ngày 25 tháng Chạp, sức mua của người dân vẫn chậm, thậm chí có thể ví người bán nhiều hơn người mua. Chị H., một tiểu thương ở chợ Phan Chu Trinh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Chợ Tết ngày càng đuối vì sức mua giảm mạnh, do cạnh tranh với siêu thị, đại lý. Nhiều người dân thích mua sắm thực phẩm ở siêu thị và các đại lý lớn, bởi tâm lý yên tâm về chất lượng. Còn thực phẩm bán tại chợ, dù chúng tôi có nhập hàng uy tín, chất lượng đến đâu thì vẫn mang tiếng “hàng chợ”, khó cạnh tranh được với siêu thị”.

Sáng 25 tháng Chạp, sạp trái cây khu vực Chợ Buôn Ma Thuột không một khách hàng.
Sáng 25 tháng Chạp, sạp trái cây khu vực Chợ Buôn Ma Thuột vắng khách hàng.

Cũng chung tâm trạng như chị Hà, một tiểu thương bán trái cây ở khu vực Chợ Buôn Ma Thuột bộc bạch: “Giờ này mọi năm khách chật kín không có lối đi. Nhưng năm nay lượng khách của cửa hàng tôi giảm mạnh, dù đang thời điểm nhà nhà cúng tất niên. Bây giờ người có tiền một chút là họ vào các siêu thị mua trái cây hết vì họ quan niệm chỉ mua ở siêu thị mới có hàng ngoại nhập, còn bên ngoài toàn hàng giả, hàng Trung Quốc. Hiện giờ tôi chỉ trông đợi sức mua tăng vào ngày 28, 29 và 30 Tết...”

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.