Multimedia Đọc Báo in

Đừng mang sự vô cảm đi làm từ thiện

09:15, 24/01/2019

Những ngày cuối năm, tôi có dịp dự một buổi tặng quà Tết cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tại một xã vùng ven TP. Buôn Ma Thuột. Tiếng là "buổi phát quà từ thiện", nhưng ở đó thiếu vắng sự cảm thông, chia sẻ dành cho những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Dù hơn 15 giờ, buổi phát quà mới chính thức diễn ra, nhưng từ rất sớm, nhiều người dân đã có mặt tại địa điểm tặng quà, cầm theo phiếu nhận quà, chờ ban tổ chức và nhà tài trợ. Theo yêu cầu của đơn vị tài trợ, khu vực phát quà được chia thành ba bàn. Tại bàn đầu tiên, đại diện lãnh đạo UBND xã và các đoàn thể địa phương phụ trách việc đọc tên, xác nhận người nhận quà là người có tên trên phiếu. Bàn thứ hai, đại diện nhà tài trợ tiếp tục đối chiếu người nhận quà với giấy tờ tùy thân và tên trên phiếu nhận quà, ký xác nhận. Qua hai vòng này mới được đến bàn thứ ba để nhận quà. Người nhận quà buộc phải là người có tên trên phiếu, nếu người thân đến nhận thay phải có giấy ủy quyền do UBND xã xác nhận.

Hoạt động thiện nguyện trao quà tặng người khuyết tật trên địa bàn huyện Krông Bông. Ảnh: Lan Anh (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Hoạt động thiện nguyện trao quà tặng người khuyết tật trên địa bàn huyện Krông Bông. Ảnh: Lan Anh (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Nhiều người có tên trên phiếu nhận quà không thể đến được vì lý do già yếu, đang điều trị bệnh hoặc đang đi làm thuê ở nơi khác nên phải nhờ người thân đi nhận thay. Người đến nhận thay còn mang theo cả Sổ hộ khẩu và giấy tờ tùy thân để chứng minh mình là vợ, con ruột, anh chị em ruột... với người có tên trên phiếu nhận quà. Thế nhưng, nhà tài trợ vẫn yêu cầu những trường hợp này phải có giấy ủy quyền. Trong khi đó, đối tượng nhận quà lại đến từ hai xã, trụ sở UBND hai xã này cách nhau gần 15 km. Những người ở gần được UBND xã tạo điều kiện cấp giấy xác nhận hoặc phải trở về chở đúng người có tên trên phiếu đến nhận quà. Những người nhận thay đến từ xã còn lại chỉ biết phập phồng chờ đợi vì nếu trở về địa phương mình xin giấy xác nhận rồi quay lại, chắc chắn sẽ không kịp nhận quà.

Ngay cả đại diện chính quyền địa phương và các đoàn thể cũng lúng túng, bị động trong việc dung hòa giữa yêu cầu của nhà tài trợ và vướng mắc của bà con. Đáng nói hơn, suốt thời gian này, những thanh niên trẻ tuổi đại diện cho nhà tài trợ thường xuyên giữ thái độ khó chịu, cáu kỉnh. Buổi phát quà kéo dài trong sự ấm ức và mệt mỏi của rất nhiều người.

Chưa bàn đến giá trị của mỗi suất quà, những thủ tục rườm rà cùng sự cứng nhắc của nhà tài trợ đã khiến cho buổi phát quà trở nên lộn xộn, căng thẳng, người nhận quà cũng bị tổn thương. Thiết nghĩ, khi nhà tài trợ đã yêu cầu địa phương lập danh sách nhận quà, có xác nhận của cơ quan cấp trên thì việc bắt buộc người có tên trên phiếu (là chủ hộ) phải đến nhận quà hoặc phải có giấy ủy quyền cho người thân đến nhận thay thực sự không cần thiết và có phần vô cảm, nhất là trong trường hợp chủ hộ là người già, người tàn tật hoặc mắc bệnh nặng. Đây cũng là điều chính quyền địa phương và các đoàn thể làm cầu nối tiếp nhận tài trợ cần cân nhắc trong khâu tổ chức phát quà từ thiện để giảm bớt những thủ tục, yêu cầu không cần thiết từ nhà tài trợ, tránh “hành tội” dân nghèo.

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.