Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc buôn Blăk

07:18, 13/01/2019

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với các buôn căn cứ cách mạng Krông Bông, đồng bào buôn Blăk, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) thường xuyên phải gánh chịu những trận càn quét đánh phá của địch vào buôn làng.

Năm 1964, thực hiện âm mưu “tách cá ra khỏi nước” hòng cô lập vùng giải phóng, địch đã bắt đưa người dân trong buôn về “Ấp chiến lược” Ea Yông B (huyện Krông Pắc). Hơn 10 năm sống trong vùng địch kiểm soát, đồng bào luôn mong muốn có ngày trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Sau khi đất nước được giải phóng, tháng 6-1976 đồng bào đã hồi cư trở về buôn Blăk xây dựng cuộc sống mới ngay trên vùng đất hoang hóa từng bị đạn bom cày xới.

Những ngày đầu trở về, cả buôn chỉ có 25 nóc nhà dài bằng tranh tre lá nứa; các cơ sở hạ tầng thiết yếu hoàn toàn chưa có; ốm đau, sốt rét hoành hành, người dân chủ yếu sống nhờ trồng cây lúa, ngô. Do tập quán canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng thấp nên bà con trong buôn luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, đời sống văn hóa, tinh thần còn nhiều hạn chế. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong buôn đã không ngừng vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng bộ mặt buôn làng ngày càng khởi sắc.

Một góc buôn Blăk.
Một góc buôn Blăk.

Hiện nay, buôn Blăk có 181 hộ với 885 khẩu. Toàn buôn có 260 ha đất canh tác. Bà con trong buôn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ chỗ chỉ độc canh cây lúa, ngô, đến nay bà con đã có hàng chục héc-ta cà phê, cao su, hồ tiêu cùng các loại cây lương thực. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng.

Thu nhập được cải thiện, bà con trong buôn đã mua sắm được nhiều phương tiện sản xuất và sinh hoạt có giá trị, trong buôn hiện có 4 xe ô tô, 47 xe công nông, bình quân mỗi hộ có 1 xe máy, 1 ti vi… Cơ cấu kinh tế trong buôn cũng từng bước chuyển dịch theo đúng hướng mà Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra, từ chỗ 100% người dân làm nông nghiệp thì đến nay đã có 36 hộ chuyển sang làm dịch vụ, thương mại, chiếm tỷ lệ 20%. Đã có 78% gia đình xây dựng được nhà kiên cố và bán kiên cố, không có nhà ở tạm, dột nát; đặc biệt nhiều hộ vẫn gìn giữ được nhà sàn truyền thống. Thời gian qua, người dân trong buôn đã đóng góp hơn 43 triệu đồng xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường trong buôn.

Thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sân bóng chuyền; phong trào luyện tập thể dục, thể thao ngày càng được đông đảo người dân tham gia.

Ông Y Dăk Mlô - già làng buôn Blăk cho biết, để bảo tồn giá trị văn hóa của cha ông để lại, những năm qua ông luôn nhắc nhở bà con không nghe lời kẻ xấu bán chiêng, bán ché, cố gắng duy trì nghề dệt truyền thống, giữ gìn các làn điệu dân ca như hát aray, hát kứt. Hiện nay trong buôn còn giữ được 3 bộ cồng chiêng, 4 khung dệt thổ cẩm, thường xuyên duy trì việc đánh chiêng trong các ngày lễ, hội, ma chay… Đội cồng chiêng trẻ từng đoạt giải cao trong Liên hoan văn hóa cồng chiêng do xã tổ chức.

Đến nay, buôn Blăk có trên 73% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm xuống còn 26,2%, tỷ lệ hộ khá giàu nâng lên 38%. Năm 2018, buôn Blăk đã được công nhận là Buôn văn hóa.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.