Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tích cực thực hiện công tác đối thoại, giám sát, phản biện xã hội

10:33, 17/02/2019

Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thực hiện công tác đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt nhiều kết quả.

Các cấp Hội đã tổ chức 65 cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Hội, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương với hội viên phụ nữ. Trong đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức 3 cuộc “Hãy nghe hội viên, phụ nữ nói” tại các huyện Krông Pắc, Buôn Đôn, Cư Kuin; Hội LHPN cấp huyện và cấp xã đã tổ chức 62 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên, phụ nữ. Tại các buổi đối thoại, hội viên phụ nữ đã đề xuất, kiến nghị 994 vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của hội viên phụ nữ và trẻ em trên địa bàn với các nhóm vấn đề: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề cho lao động nữ, chính sách cho cán bộ Hội cơ sở, các chế độ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, trẻ em khuyết tật, mồ côi, bạo lực gia đình, tảo hôn, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tình trạng ô nhiễm môi trường… Hầu hết các ý kiến đều được các cán bộ chủ trì trả lời thỏa đáng, dứt điểm.

Hội LHPN xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo) ra mắt Tổ tư vấn cộng đồng.
Hội LHPN xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo) ra mắt Tổ tư vấn cộng đồng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ đã chủ trì 67 cuộc giám sát; trong đó Hội LHPN tỉnh giám sát trực tiếp việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tại 3 huyện Krông Búk, Ea Kar, Cư Kuin, đồng thời giám sát gián tiếp (thông qua báo cáo) đối với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Sau giám sát, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã có báo cáo kết quả và có văn bản kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh; qua đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, xây dựng, ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ tại địa phương, bố trí nguồn kinh phí thường xuyên cho việc triển khai thi hành Luật PCBLGĐ, lập kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các địa phương, hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, dạy nghề cho nạn nhân trên địa bàn tỉnh. Hội LHPN huyện và xã giám sát trực tiếp 66 cuộc với nội dung về việc triển khai, thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của một số trường Mầm non và các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tại địa phương; việc thực hiện Luật PCBLGĐ; chính sách hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; việc thực hiện Luật Trẻ em…Qua giám sát đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc tại cơ sở.

Hoạt động tham gia góp ý vào các văn bản dự thảo về các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương cũng được các cấp Hội quan tâm. Trong năm, các cấp Hội đã góp ý vào 56 văn bản dự thảo; thành lập 67 tổ tư vấn cộng đồng (qua đó đã tư vấn cho 291 lượt hội viên, phụ nữ); tiếp nhận 123 đơn thư, vụ việc; phối hợp hòa giải thành công 114 đơn thư, vụ việc, chuyển 9 đơn không thuộc thẩm quyền của Hội đề nghị cơ quan chức năng giải quyết. Hội đã lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong nhiều vụ việc phụ nữ và trẻ em bị xâm hại; tổ chức tư vấn pháp luật cho hội viên…

Phạm Thị Len


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.