Multimedia Đọc Báo in

Nhớ lời Bác dạy ngành Y

11:23, 03/02/2019

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua gắn liền với nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ; Từ đó tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo y đức

Theo Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế: Những năm qua, lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu” luôn là “kim chỉ nam” trong mọi hành động của người thầy thuốc. Để xứng đáng với lời dặn ấy, ngành Y tế tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh như: “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Nụ cười bệnh nhân, niềm vui người thầy thuốc”…

Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện trên địa bàn đã tạo được niềm tin cho người bệnh. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) thị xã Buôn Hồ, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngoài việc huy động các nguồn lực từng bước đầu tư thêm các trang thiết bị y tế, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ và tay nghề, đủ khả năng làm chủ các trang thiết bị hiện đại, bệnh viện còn thực hiện thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh theo phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Chính thái độ đón tiếp ân cần chu đáo đã tạo thiện cảm và gieo vào lòng người bệnh sự ấm áp, tin cậy. 

Có thể thấy, các phong trào thi đua không chỉ trở thành động lực thúc đẩy các đơn vị trong toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà qua đó còn xuất hiện những tấm gương thầy thuốc điển hình. Đó là bác sĩ Phạm Tuấn Hùng, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức chống độc tích cực (BVĐK huyện Ea Kar), một người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Thầy thuốc trẻ huyện Ea Kar, anh đã lên kế hoạch và tổ chức đội hình khám chữa bệnh miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hay như Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thiện Ái, Trưởng Khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch (BVĐK vùng Tây Nguyên), một trong những người đầu tiên triển khai kỹ thuật can thiệp động mạch vành tại Đắk Lắk, tạo bước đột phá trong điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch và mở ra cơ hội cho người bệnh được điều trị kịp thời trong “thời gian vàng”… 

Khoa xét nghiệm của BVĐK thị xã Buôn Hồ được đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Khoa xét nghiệm của BVĐK thị xã Buôn Hồ được đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Chính từ những tấm gương cống hiến hết mình cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong 5 năm qua đã có hàng nghìn lượt cán bộ, thầy thuốc trong toàn ngành được các cấp, ngành của tỉnh và trung ương khen thưởng. Riêng năm 2017 đã có 5 bác sĩ vinh dự được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. 

Ứng dụng CNTT, đẩy mạnh cải cách hành chính

Thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và tăng sự chính xác trong công tác quản lý tại cơ sở y tế, những năm qua, ngành Y tế tỉnh luôn quan tâm chú trọng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng mạnh mẽ các phần mềm vào hoạt động khám chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn (gồm 31 cơ sở khám chữa bệnh và 185 trạm y tế) đều đã kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, chuyển dữ liệu thanh toán BHYT sang cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội hằng ngày để giám định chi phí và giám sát thông tuyến khám chữa bệnh. Đồng thời, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, không những hỗ trợ công tác khám chữa bệnh và thanh quyết toán BHYT, mà còn hỗ trợ Ban Giám đốc bệnh viện trong công tác quản lý nhân sự, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế…

Điểm mới mang tính đột phá trong ứng dụng CNTT ở ngành Y tế phải kể đến sự đầu tư đồng bộ máy tính và đường truyền, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh tại 185 trạm y tế. Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Trước đây khi chưa sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh, các trạm y tế phải thực hiện theo cách thủ công, thường dùng Excel để nhập số liệu báo cáo nên đôi khi chưa kịp thời, chưa đồng nhất, độ chính xác không cao. Còn hiện nay, với Phần mềm quản lý các hoạt động khám chữa bệnh tuyến xã - MMS.Net đã không chỉ giúp đồng bộ hoạt động báo cáo thống kê y tế và kết nối liên thông dữ liệu thanh toán BHYT tuyến xã mà tạo thuận lợi cho việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh, qua đó thúc đẩy phát triển của y tế cơ sở.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở Y tế về ứng dụng CNTT nên việc liên thông dữ liệu thanh toán BHYT trong khám chữa bệnh của tỉnh luôn xếp trong nhóm đầu cả nước; chỉ số về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT xếp thứ 2/63 sở y tế tỉnh, thành phố và chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2/23 sở, ban, ngành của tỉnh.

Phần mềm MMS.Net do bác sĩ CKII Doãn Hữu Long cùng các cộng sự thực hiện đã đoạt giải Ba trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (không có giải Nhất và giải Nhì); giải Khuyến khích “Y tế thông minh”; được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng giải thưởng Sao Khuê và được Quỹ Hỗ trợ sáng tạo khoa học Việt Nam chọn đi triển lãm và dự thi quốc tế tại Hàn Quốc vào đầu tháng 12-2018.

Khánh Duy

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.