Multimedia Đọc Báo in

Nghề nài voi trước nguy cơ thất truyền

10:27, 26/03/2019

Nhìn nài voi (người chăm, điều khiển voi) lắc lư trên lưng, hô đứng, bảo quỳ, những chú voi to lớn đều răm rắp làm theo khiến ai cũng trầm trồ thích thú. Nhưng cái nghề độc đáo ở đại ngàn Tây Nguyên này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Một dịp theo chân nài voi Y Mức Byă (52 tuổi, buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) vào rừng chăn voi Y Tul, chúng tôi có cơ hội biết thêm công việc độc đáo, thú vị này. Trước đây, nhà Y Mức cũng có voi nên ông được ông cha truyền nghề từ nhỏ. Bài học đầu tiên “nhập môn” là niệm thuộc lòng các khẩu lệnh như: đi, dừng lại, quỳ xuống, lội nước, đi nhanh, đi chậm, quẹo phải, quẹo trái, bơi dưới nước... bằng tiếng bản địa.

Tiếp đến là học cách cùm chân, cột xích, lên xuống, sử dụng dùi sắt cán dài chích vào kẽ tai voi sao cho vừa đủ đau để voi chịu nghe lời mà không gây thương tích. Chăn được một thời gian thì gia đình bán voi, Y Mức nhớ nghề, nhớ voi da diết. Năm 1998, hay tin Vườn Quốc gia Yok Đôn cần người chăm sóc voi, ông liền xin vào thử việc. Khi đó, Y Tul mới là “bé voi” tinh nghịch, cứng đầu. Ông phải kiên trì, làm quen mới thuần phục được. Mỗi con voi có tính cách, sở thích riêng. Nài voi cần có khoảng thời gian dài tiếp xúc, quen hơi rồi mới bắt đầu huấn luyện.

“Ngày thường Y Tul rất nghe lời, chỉ khi động dục nó mới dở chứng ương bướng. Mình phải nhẹ nhàng, thả nó vào rừng nghỉ ngơi; nó mà nổi giận thì hung tợn lắm”, Y Mức chia sẻ. Hơn 20 năm gắn bó, ông luôn coi voi Y Tul như một người bạn đặc biệt. Mỗi lần Y Tul bị voi rừng tấn công, ông đều lo lắng tìm cây thuốc đắp lành vết thương. Những lúc thả Y Tul vào rừng hay khi nhà bận việc, ông đều lo nghĩ về người "bạn" của mình. Chỉ khi nhìn thấy voi Y Tul khỏe mạnh, lành lặn, ông mới yên tâm.

Nài voi Y Mức trong một lần điều khiển voi chở khách du lịch.
Nài voi Y Mức trong một lần điều khiển voi chở khách du lịch.

Dù thành thục nghề huấn luyện voi, song Y Mức khẳng định, ông chỉ điều khiển được mỗi voi Y Tul. Ông Y Thế Arul - người có thâm niên 30 năm hành nghề nài voi ở Buôn Đôn lý giải, voi nào nài đó, cả ông cũng vậy. Nói đến đây, giọng Y Thế trầm xuống. Ông tâm sự: "Mình đã lớn tuổi, muốn nghỉ ngơi nhưng không có người thay thế. Mình từng nhắm đứa cháu ruột Y Quyết Rya để truyền nghề nhưng không thành”. Y Thế kể, do hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ Y Quyết ở với gia đình ông nên sớm được tiếp xúc và thể hiện tình yêu với loài vật khổng lồ thông minh nhất trong các loài vật. Thấy Y Quyết yêu mến voi - tố chất đầu tiên cần có ở nài voi - ông bắt đầu truyền nghề cho cháu, từ tiếp xúc làm quen, tập cưỡi voi, dẫn voi đi tắm... Hơn 2 năm, Y Quyết thuộc hết các kỹ năng chăm sóc, điều khiển voi. Ông tiếp tục cho cháu đi theo chở khách du lịch. Theo nghề được 3 năm, Y Quyết bất ngờ xin nghỉ vì phải về phụ giúp gia đình. Vậy là nỗ lực tìm người nối nghề tổ tiên của Y Thế không thành.

Ông Y Mức gỡ dây rừng quấn chân voi.
Ông Y Mức gỡ dây rừng quấn chân voi.

Ông Y Thế trải lòng, có hai nguyên nhân chính khiến nghề nài voi đứng trước nguy cơ thất truyền. Một là đàn voi nhà còn ít nên nài voi hết việc. Hai là cuộc sống của các nài voi (đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số) còn khó khăn, nếu chỉ dựa vào mỗi nghề chăm voi thì không đủ sống. Do đó, ông mong Nhà nước có chính sách bảo tồn đàn voi nhà, đồng thời hỗ trợ nài voi để nghề độc đáo này không bị thất truyền. Bởi nghề này không phải học 1 ngày, 1 năm mà là 5-7 năm, có khi phải dành trọn đời mới hiểu, mới theo được nghề.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.