Multimedia Đọc Báo in

Những người yêu lan rừng

10:46, 15/03/2019

Thay vì mua lan rừng về chơi như thông thường thì những người yêu lan đã đổi mới cách suy nghĩ và cách làm. Họ tận hưởng thú vui bằng cách bảo tồn, nhân giống những loài lan quý, không để chúng bị tuyệt chủng.

Say mê lan rừng từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Cảnh (SN 1981, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) luôn thích thú với việc sưu tầm nghiên cứu và bảo tồn về hoa lan, đặc biệt là lan rừng. Trong khuôn viên hơn 1.000 m² của gia đình anh có tới gần 700 loài lan rừng, lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm. Trong đó có cả những loài lan quý hiếm, lạ như: Chi lan Thạch Hộc, hàng năm chỉ nở một lần, mỗi lần chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ; lan Cầu diệp hoa chỉ lớn 2 mm... Đó chính là thành quả mang lại sau 10 năm anh cất công sưu tầm và bảo tồn lan rừng.

Để khu vườn của mình ngày càng trở nên phong phú, anh Cảnh thường xuyên đi rừng để tìm những loài lan quý, mỗi khi khám phá ra loài lan mới anh chỉ lấy một ít về nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống chứ không lấy hết cả cây. Nhiều giống lan rất khó trồng, có loại chết héo dù được chăm sóc kỹ lưỡng, mỗi lần như vậy anh không quản ngại cất công trở ngược vào rừng lấy lại để tiếp tục nghiên cứu. Trung bình một năm anh tìm ra, bảo tồn và công bố trên thế giới khoảng 10 loại lan rừng mới.

Ông Bùi Quốc Việt (bên phải) chia sẻ về lan với bạn bè.
Ông Bùi Quốc Việt (bên phải) chia sẻ về lan với bạn bè.

Ngoài việc đi rừng và tìm hiểu môi trường sống của từng loài lan rồi bắt đầu đem lan về thuần tại vườn, hiện anh Cảnh nhân giống lan bằng cách cấy, ghép từ những mô lan mẹ, ươm mầm lan để nhân rộng, phát triển nhiều hơn nữa các loại lan quý hiếm. Bên cạnh đó, anh còn làm sẵn album chụp ảnh tất cả các loại hoa có trong vườn; thực hiện những bộ sưu tập sách cung cấp thêm kiến thức về lan như màu sắc, kích thước, mùi hương… cho những ai thích tìm hiểu sâu, yêu thích về lan rừng. Trong bộ sách sưu tập anh không ghi rõ địa điểm chính xác khu rừng có loại lan đó nhằm tránh trường hợp nhiều người vào khai thác tận diệt.

Anh Cảnh cho hay, quan điểm của anh là chỉ sưu tầm, tặng và trao đổi các loại lan cho những người yêu thích chơi lan rừng chứ không bán. Có như vậy những loài lan quý mới có cơ hội được nhân giống và phát triển mạnh mẽ.

Ông Bùi Quốc Việt (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) cũng là một trong những người kỳ công bảo tồn và chăm sóc lan rừng. Vườn lan của ông Việt có diện tích 1.500 m² được chia làm 2 tầng, gia cố bằng sắt rất vững chắc, trên đó có hàng nghìn cây lan với khoảng 500 loài lan rừng có giá trị hàng tỷ đồng.

Ông Việt cho biết: “Tôi yêu thích lan rừng từ nhỏ, tình yêu lan ngấm trong máu, nên xem lan như con cái trong nhà, hằng ngày chăm sóc rất kỹ lưỡng nên càng ngày càng có nhiều loài sinh sôi nảy nở”. Với ông, hằng ngày được ngắm các loại lan rừng với màu sắc đa dạng và ngửi hương thơm thoảng thoảng của nó giúp tinh thần sảng khoái. Để có được vườn lan như hiện nay, ông Việt đã nỗ lực rất nhiều năm trong việc tìm hiểu và tìm cách nhân giống những loài lan quý. Trước đây khi chưa có kiến thức, ông thường bị trao đổi lan rởm, không nở hoa; hoặc nhân giống không thành công, tốn cũng khá nhiều tiền bạc và công sức. Tuy nhiên, ông Việt không bỏ cuộc mà vẫn cặm cụi tìm tòi học hỏi, đến nay với vốn kiến thức của mình, ông đã có một “gia tài” về lan đáng mơ ước. Với ông việc trồng và bảo tồn lan rừng không chỉ là đam mê mà còn mang lại thu nhập đáng kể, vì khi đã bảo tồn thành công, ông dùng kỹ thuật để nhân giống, sau đó trao đổi buôn bán… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Cảnh trong một lần đi rừng tìm hiểu về lan rừng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Nguyễn Văn Cảnh trong một lần đi rừng tìm hiểu về lan rừng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, trong Triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk, ông Việt phối hợp với Hội Sinh vật cảnh huyện Krông Ana trưng bày 10 giò hoa lan quý như Thủy tiên 3 lưỡi, Kèn 5 cánh trắng… để du khách được thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa này.

Có thể nói, chơi lan rừng đang trở thành thú chơi phổ biến của người dân Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Trước thực trạng các giống phong lan rừng bị khai thác và có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên thì những người chơi lan tìm cách nhân giống, bảo tồn hoa lan tự nhiên thật đáng trân trọng, sẽ phần nào giúp những loài hoa quý được bảo vệ.

Theo thống kê của các nhà khoa học, trên thế giới hiện nay có hơn 4.000 loài lan rừng. Riêng ở tỉnh Đắk Lắk lan rừng cũng rất phong phú với khoảng 350 chủng loại.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.