Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ Êđê gương mẫu, năng nổ

10:32, 26/03/2019

Những cán bộ, hội viên người dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn thị xã Buôn Hồ ngày càng năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình, nhiệt tình trong công tác xã hội và các phong trào của địa phương. Các chị đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình, trở thành tấm gương sáng cho chị em học tập, noi theo.

Chi hội trưởng phụ nữ Êđê “hai giỏi”

Trước đây, phụ nữ ở buôn Trinh 1 (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) rất ngại tham gia hoạt động hội và các phong trào của địa phương, nhưng nhờ sự kiên trì vận động, thuyết phục của chị H’Luôn Niê, Chi hội trưởng phụ nữ buôn dần dà chị em cũng “vỡ lẽ” ra. Để tập hợp, tạo sự đoàn kết trong chị em, chị H’Luôn đã thành lập các tổ phụ nữ đổi công giúp nhau thu hoạch mùa màng, khi gia đình có hiếu hỷ... Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN thị xã Buôn Hồ, Chi hội phụ nữ buôn Trinh 1 phối hợp với Hội Phụ nữ phường An Lạc thành lập mô hình “Phụ nữ với an ninh trật tự” do chị H’Luôn làm Chủ nhiệm. Nhờ đó, phụ nữ trong buôn được cung cấp thêm kiến thức, hiểu biết pháp luật, ngày càng gắn kết, gần gũi nhau, trở thành “tai mắt” của lực lượng công an, phát hiện, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ Hội LHPN thị xã Buôn Hồ thăm cơ ngơi khang trang của chị H’Luôn Niê (bìa trái, ngồi ngoài) Chi hội trưởng phụ nữ buôn Trinh 1 (phường An Lạc).
Cán bộ Hội LHPN thị xã Buôn Hồ thăm cơ ngơi khang trang của chị H’Luôn Niê (bìa trái, ngồi ngoài) Chi hội trưởng phụ nữ buôn Trinh 1 (phường An Lạc).

Với đặc thù trên 93% hội viên là người dân tộc tại chỗ, lại xuất thân trong một gia đình nghệ nhân nên chị H’Luôn chú trọng tuyên truyền, vận động chị em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Dù bận rộn nhiều công việc, chị vẫn duy trì nghề làm rượu cần, tham gia đội văn nghệ của buôn và tạo phong trào, lôi cuốn chị em tham gia.

Vốn là người hoạt bát, nhanh nhạy, chị H’Luôn cùng chồng chuyển đổi dần 2,5 ha độc canh cây cà phê sang trồng xen hồ tiêu, các loại cây ăn trái và dành một khoảnh đất trồng rau, nuôi gà thả vườn, heo bản địa, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhận thấy mô hình đa cây, đa con hiệu quả, chị vận động phụ nữ trong buôn làm theo và tích cực tham gia các lớp học nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, trong buôn chỉ còn 5 hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, Chi hội phụ nữ buôn Trinh 1 luôn được đánh giá vững mạnh, dẫn đầu trong các hoạt động phong trào.

Vượt khó vươn lên làm giàu

Sau khi lấy nhau, vợ chồng chị H’Êm Ayun ở buôn Gram A2 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) được bố mẹ bàn giao cho 1,5 ha cà phê già cỗi. Với suy nghĩ nếu cứ canh tác theo kiểu cũ, được chăng hay chớ, không đầu tư, chăm sóc bài bản thì không thể nâng cao thu nhập, chị H’Êm bàn bạc với chồng phải thay đổi cách thức làm ăn. Để “lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng chị trồng 2 sào lúa lấy gạo ăn và đi làm thuê kiềm thêm thu nhập. Khi có vốn, chị H’Êm mua thêm bò, heo, gà thả vườn về nuôi nhằm tận dụng rơm và cám gạo. Nguồn phân từ chăn nuôi được vợ chồng chị ủ với vỏ cà phê, cỏ để bón cho cây trồng.

Chị H'Êm Ayun (bìa trái), hội viên phụ nữ buôn Gram A2 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ)  chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Chị H'Êm Ayun (bìa trái), hội viên phụ nữ buôn Gram A2 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Được Hội phụ nữ xã tuyên truyền, tập huấn cách thức phát triển kinh tế, chị H’Êm mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua phân bón, tưới nước cho vườn cà phê và cải tạo dần những diện tích già cỗi, trồng thêm cây muồng đen làm trụ sống để trồng hồ tiêu. Học hỏi những mô hình kinh tế trên địa bàn, vợ chồng chị H’Êm còn trồng xen 100 cây bơ và 50 cây sầu riêng trong vườn cà phê nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Đến nay, mỗi năm gia đình chị thu được khoảng 5 tấn cà phê, 1 tấn hồ tiêu. Năm 2017, gia đình chị H’Êm xây dựng được căn nhà khang trang trị giá gần 400 triệu đồng. Chị H’Êm bày tỏ: “Cách đây 10 năm khi đứa con đầu lòng qua đời vì bệnh ung thư xương, kinh tế gia đình kiệt quệ, vợ chồng tôi rơi vào cảnh cùng quẫn, tuyệt vọng. Nếu mình không tự vươn lên thì cứ khổ mãi, nghèo mãi nên hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng, làm dần từng bước một và đã có được thành quả như hôm nay”.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.