Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ làm giàu từ đam mê

10:55, 08/03/2019

Cùng với chăm lo chu toàn việc nhà, gia đình, con cái, không ít phụ nữ ở huyện M’Đrắk đã mạnh dạn vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế từ đam mê của mình.

Cô gái mê trồng rau sạch

Tốt nghiệp chuyên ngành Y nhưng lại đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, năm 2017, sau khi dành thời gian đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau trong nhà lồng, Vũ Thị Kiều Oanh bàn với gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo lại 400 m2 đất vườn, xây dựng nhà lưới ở tổ dân phố 6 (thị trấn M’Đrắk) để trồng rau an toàn theo mô hình thủy canh hồi lưu tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap…

Vũ Thị Kiều Oanh kiểm tra sản phẩm chuẩn bị thu hoạch  tại vườn rau thủy canh M’Đrắk Farm.
Vũ Thị Kiều Oanh kiểm tra sản phẩm chuẩn bị thu hoạch tại vườn rau thủy canh M’Đrắk Farm.

Vườn rau thủy canh M’Đrắk Farm của Oanh tuân thủ quy trình xử lý đất, xử lý sâu bệnh tốt và trồng rau theo phương châm mùa nào rau ấy, trong đó chú trọng khâu làm đất và bón phân; nhờ vậy, các loại rau cải ngọt, cải canh, mùng tơi, rau muống, dưa chuột, cà chua… luôn xanh tốt. Đến nay, sau gần 2 năm theo dõi, tỉ mỉ ghi chép từng ngày vào sổ, Oanh đã xây dựng được công thức bón phân, làm đất riêng cho từng loại rau. Nhận thấy nhu cầu cao của người tiêu dùng, vừa qua Oanh tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích vườn lên trên 700 m2, cho thu hoạch bình quân mỗi ngày khoảng 10 kg rau, cao điểm vườn có thể cung cấp cho thị trường từ 20 - 30 kg rau sạch/ngày. Vườn rau thủy canh M’Đrắk Farm chỉ thu hoạch rau khi có điện thoại đặt hàng của khách rồi sơ chế, đóng gói cẩn thận chuyển đến tận tay người tiêu dùng nên rau luôn tươi ngon. Mỗi ký rau có giá từ 40.000 - 60.000 đồng (tùy thời điểm), cao hơn giá thị trường từ 10 - 30% nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng, lựa chọn. Trong thời gian tới, vườn rau thủy canh M’Đrắk Farm tiếp tục đặt ra mục tiêu nâng nguồn sản phẩm đủ số lượng từ 50 kg trở lên, đáp ứng yêu cầu để liên kết với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi bao tiêu sản phẩm.

Khởi nghiệp từ cây nghệ

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán ở Trường Đại học Sài Gòn, Lê Thị Thư phân vân giữa lựa chọn ở lại TP. Hồ Chí Minh hay trở về quê ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) lập nghiệp. Khi ấy, thói quen đọc sách báo đã giúp cô gái này tiếp nhận được những bài học hay và là động lực để Thư quyết tâm khởi nghiệp từ chính nông sản của người nông dân M’Đrắk.

Lê Thị Thư (thứ ba, từ phải sang) giới thiệu sản phẩm của Cơ sở sản xuất tinh nghệ Epis.
Lê Thị Thư (thứ ba, từ phải sang) giới thiệu sản phẩm của Cơ sở sản xuất tinh nghệ Epis.

Nhận thấy nguồn nguyên liệu cây nghệ trồng sẵn tại địa phương rất nhiều trong khi nông dân lại phụ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh, Thư bắt tìm hiểu và quyết định đầu tư khởi nghiệp từ cây nghệ. Năm 2017, cơ sở sản xuất tinh nghệ Epis ra đời với nguồn vốn ban đầu gần 200 triệu đồng, trong đó phần lớn là do Thư vay mượn từ bạn bè, người thân để xây dựng nhà xưởng diện tích hơn 100 m2, đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất và thuê hai công nhân. Để có được sản phẩm chất lượng, Thư thử nghiệm và so sánh nhiều giống nghệ khác nhau, đưa sản phẩm xuống TP. Hồ Chí Minh kiểm định độ ẩm, hàm lượng curcumin tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng QUATEST 3, cuối cùng Thư chọn giống nghệ nếp trồng trên đất cát và pha cát để chế biến sản phẩm. Giống nghệ này củ nhỏ, dù chi phí sản xuất cao nhưng hàm lượng tinh nghệ cao, đạt 9% (trong khi những loại nghệ khác chỉ đạt 5 - 7%). Vụ sản xuất đầu tiên, cơ sở thu mua 10 tấn nghệ tươi cho nông dân địa phương, thành phẩm là 3 tạ tinh bột nghệ. Những ngày đầu, khi sản phẩm còn ít người biết đến nên tiêu thụ rất kém khiến cả gia đình “ăn ngủ không yên”, nhưng dần dần sản phẩm của Thư đã khẳng định được chất lượng và được khách hàng ưa chuộng, có những thời điểm chỉ sau vụ sản xuất 2 tháng, cơ sở đã tiêu thụ hết sản phẩm.

Vụ thu hoạch nghệ năm nay, với cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất như máy nghiền - lọc - vắt liên hoàn, phòng sấy lạnh, tủ sấy nóng, máy vo viên tinh hoàn..., cơ sở dự kiến sẽ tiêu thụ 20 tấn nghệ trên vùng nguyên liệu 6 ha ở các xã Ea Pil và Cư Prao. Bộ sản phẩm cũng đa dạng hơn với 4 dòng sản phẩm từ nghệ: tinh bột, mặt nạ, son dưỡng môi, rượu hạ thổ. Cô gái trẻ Lê Thị Thư cũng đã tham gia nhóm khởi nghiệp Startup Đắk Lắk, sẵn sàng trưng bày 500 mặt hàng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Khởi nghiệp bằng nghề may mặc trang phục truyền thống

Say mê và muốn lưu giữ, bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị Cư Thị Ly (dân tộc Hmông, ở thôn 7, xã Cư San) đã vươn lên phát triển kinh tế nhờ chính đam mê của mình.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại Lào Cai, nhà nghèo, lại đông con, chị Ly phải sớm nghỉ học để phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Từ năm 6 tuổi, chị Ly đã được làm quen với kỹ thuật đính cườm, thêu họa tiết hoa văn trên nền y phục của dân tộc Hmông mình. Đến năm 13 tuổi, chị đã tự tay may cho mình những tấm vải choàng, khăn quàng cổ, áo, váy, túi đeo và phụ trách việc may mặc cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Chị Cư Thị Ly dạy con gái cách đính cườm trên trang phục thổ cẩm  dân tộc Hmông.
Chị Cư Thị Ly dạy con gái cách đính cườm trên trang phục thổ cẩm dân tộc Hmông.

Sau khi lập gia đình, năm 2002, chị Ly theo chồng con vào lập nghiệp tại thôn 7, xã Cư San, huyện M'Đrắk. Dù cuộc sống trên quê hương mới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bên cạnh chị Ly không bao giờ thiếu chiếc túi vải với đầy đủ các dụng cụ may vá, thêu thùa. Mỗi khi rời tay khỏi cái cày, cái cuốc, dưới tán cây chị Ly lại tranh thủ may cho các con những bộ áo mới để đến trường, hay nhận thêu áo, đính cườm cho những bộ trang phục lễ hội của các chị em trong thôn xóm để có thêm thu nhập trong gia đình. Sự khéo léo của chị khiến bà con ở địa phương biết đến và đặt may trang phục ngày một đông.

Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2005, chị Ly mạnh dạn vay mượn vốn mở cửa hàng chuyên may và cung cấp sỉ lẻ trang phục truyền thống các dân tộc. Dưới bàn tay khéo léo của chị, những bộ trang phục vừa mang tính hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Trong số trang phục của đồng bào các dân tộc, chị đặc biệt thích váy áo thổ cẩm của người Hmông nên dành nhiều tâm huyết cho loại trang phục này. Sản phẩm chị làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Khách hàng của chị thường là người địa phương hoặc người dân các huyện lân cận. Nếu váy, quần áo mặc hằng ngày thì may khá nhanh, nhưng riêng bộ áo thổ cẩm truyền thống Hmông dành cho các lễ hội đặc biệt rất cầu kỳ, một người may thêu nhanh cũng mất tầm 2 - 3 tháng mới hoàn thiện được một bộ đồ. Ngoài những công đoạn chị đảm nhận như cắt, thêu, chị Ly còn thuê các bà, các chị trong thôn thực hiện một số công đoạn. Giá các bộ quần áo mặc trong ngày lễ truyền thống của dân tộc Hmông sau khi hoàn chỉnh khá cao đến vài triệu đồng một bộ nên thu nhập của gia đình chị khá ổn định.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế hộ gia đình với nghề nông và may mặc, buôn bán quần áo thổ cẩm, gia đình chị Cư Thị Ly có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí sản xuất, công lao động). Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình chị đã vươn lên thành hộ khá trong thôn, đồng thời tạo việc làm cho hơn 10 chị em trong thôn với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Thu Nguyệt - Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.