Multimedia Đọc Báo in

Những thủ lĩnh thanh niên tâm huyết

09:50, 21/03/2019
Gắn bó với công tác Đoàn ở địa bàn vùng sâu vùng xa, nhiều thủ lĩnh thanh niên đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, mang hết nhiệt tình, sức trẻ cống hiến cho công tác xã hội và vươn lên, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương…
 
Cán bộ Đoàn tận tâm với học sinh nghèo
 
Công tác tại một trường học đứng chân trên địa bàn vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông, hằng ngày chứng kiến cảnh nhiều học sinh phải vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống để đến lớp, thầy Nguyễn Quốc Ca, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo luôn đau đáu, trăn trở nghĩ cách hỗ trợ các em có thêm động lực vững bước trên con đường học tập.
 
Năm học 2018 - 2019, Trường THPT Trần Hưng Đạo có 781 học sinh; trong đó có đến 291 học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo từ xã vùng sâu Yang Mao, Cư Đrăm và Cư Pui. Cuộc sống khó khăn khiến nguy cơ bỏ học của các em học sinh trong trường rất cao. Trước tình trạng, với vai trò Phó Bí thư Đoàn trường, ngoài các hoạt động phong trào trường lớp, các hoạt động chuyên môn, thầy Ca đã dành nhiều thời gian, tâm huyết tìm kiếm nhiều nguồn lực khác nhau, gây quỹ tặng học bổng, xe đạp, tặng quà, đồ dùng học tập, thực hiện chương trình “Tết vì bạn nghèo”, “Ngôi nhà nhân ái” để hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, những em có nguy cơ bỏ học.
 
Thầy Nguyễn Quốc Ca (thứ ba từ phải sang) đi vận động gây quỹ tặng học sinh nghèo.
Thầy Nguyễn Quốc Ca (thứ ba từ phải sang) đi vận động gây quỹ tặng học sinh nghèo.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thầy Ca đã vận động sự đóng góp của cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường, các nhà hảo tâm, hộ tiểu thương, các doanh nghiệp trên địa bàn lân cận, các nhóm thiện nguyện, vận động đoàn viên hái cà phê để gây quỹ... được hơn 40 triệu đồng; qua đó trao tặng 38 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng 10 suất học bổng, 10 xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi. Thầy còn vận động đoàn viên thanh niên trong trường giúp đỡ hàng trăm ngày công giúp gia đình các em học sinh khó khăn khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 12 cuối năm 2017; hỗ trợ các em học sinh bị thiệt hại nặng nề về nhà ở với số tiền hơn 10 triệu đồng. Thầy Ca còn vận động bạn bè, người thân và các mạnh thường quân từ TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ quần áo cũ, giày dép, bánh kẹo giúp đỡ các em học sinh khu bán trú của trường và bà con quanh vùng với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng.
 
Mỗi khi có thời gian rảnh, thầy Ca không quản ngại đường xa, lặn lội đến các thôn Yang Hăn (xã Cư Đrăm), thôn Ea Bar, thôn Ea Rơk (xã Cư Pui) khảo sát tình hình nhằm nắm bắt kịp thời những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Thầy tâm sự: “Chứng kiến những em học sinh nghèo, điều kiện học tập vô cùng khó khăn, mình luôn thôi thúc phải làm gì đó để tiếp thêm động lực cho các em đến trường. Thấy được niềm vui của các em khi đón nhận những món quà đầy ý nghĩa, mình cũng rất hạnh phúc, như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục công việc của mình. Mình không sợ vất vả, chỉ sợ nhất là con người vô tâm và thiếu đi tình thương trước những mảnh đời bất hạnh”.
 
Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa cùng với những thành tích nổi bật đã đạt được, thầy Nguyễn Quốc Ca đã được Huyện Đoàn Krông Bông tuyên dương “Viên chức trẻ tiêu biểu của huyện Krông Bông năm 2018”.
 
Bí thư Đoàn “hai giỏi”
 
Không chỉ là Bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt huyết, anh Nguyễn Văn Dương (ở thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) còn là điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.
 
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong THCS, anh Dương ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Anh luôn chịu khó học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đi trước để chắt lọc kiến thức, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Năm 2018, được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn “khởi nghiệp” của Huyện Đoàn, Dương mạnh dạn chuyển đổi 1 sào đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả của gia đình sang trồng bí. Nhiều người cho rằng anh gàn dở bởi vùng đất này xưa nay quanh năm chỉ trồng lúa, hoa màu... Song những lời bàn tán đó chẳng thể ngăn cản ý chí của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Dương. Bằng sự siêng năng, chịu khó, sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè cùng cách chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ngay vụ đầu tiên vườn bí của anh Dương đã cho thu hoạch 6 tấn, với giá bán khoảng 7.000 đồng/kg đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng.
 
Anh Nguyễn Văn Dương trong vườn chanh dây của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Dương trong vườn chanh dây của gia đình.
Cũng trong năm 2018, sau khi tham quan một số mô hình trồng chanh dây, anh Dương đã mạnh dạn chuyển đổi 2 sào đất trồng lúa, hoa màu của gia đình sang trồng loại chanh dây. Đến nay, dù mới thu được gần 1 tấn chanh dây, giá bán có thời điểm đạt thấp, chỉ đạt 10.000 đồng/kg nhưng cũng mang về cho gia đình thu nhập trên 10 triệu đồng. Sau những thành công bước đầu, anh Dương hiện đang đầu tư mở rộng thêm quy mô sản xuất. Ngoài 3.000 m2 đất của gia đình, anh đã mượn thêm 8.000 m2 đất của các hộ dân trên địa bàn để trồng bí và chanh dây. Những diện tích này đang được xử lý đất, chọn giống, dự kiến trong tháng 4 này sẽ xuống giống… Ngoài trồng bí, chanh dây, anh còn đầu tư chăn nuôi gà với quy mô 100 – 300 con/năm. Do chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn gà của gia đình phát triển tốt, ít bệnh và chóng lớn. Bình quân mỗi năm anh xuất bán ra thị trường khoảng 5 tạ gà thịt, với giá bán từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư cũng mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Anh còn có được thu nhập khá từ nghề dẫn chương trình đám cưới.
 
Không chỉ nhanh nhẹn, nhạy bén trong phát triển kinh tế, anh Dương còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, trách nhiệm. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, anh luôn hăng hái đi đầu và tham gia nhiệt tình các chương trình hoạt động, phong trào Đoàn của thôn, xã. Đặc biệt, với kinh nghiệm có được trong làm ăn, anh luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ để giúp đoàn viên, thanh niên trong thôn cùng phát triển kinh tế gia đình, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở địa phương.
 
Thủ lĩnh Đoàn nhiệt huyết
 
Anh La Văn Giang (SN 1990), Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) là một thủ lĩnh đoàn nhiệt huyết, có nhiều cách làm sáng tạo, tâm huyết để giúp người dân, học sinh nghèo trong xã vươn lên.
 
Năm 2011, sau khi xuất ngũ anh La Văn Giang trở về địa phương được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi Đoàn thôn Tân Quý (xã Vụ Bổn). Một năm sau anh Giang được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã, đến năm 2016, giữ chức Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn. Với kinh nghiệm trong công tác Đoàn cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Giang nhanh chóng trở thành thủ lĩnh Đoàn năng động, góp phần vực dậy nhiều hoạt động tại địa phương như: Giải bóng đá nam, nữ, Liên hoan tiếng hát măng non, Hội trại hè… thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia, qua đó đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội ở địa phương ngày càng vững mạnh.
 
Anh La Văn Giang (thứ 3 từ trái sang) trong một chương trình trao xe đạp cho học sinh nghèo tại xã Vụ Bổn.
Anh La Văn Giang (thứ 3 từ trái sang) trong một chương trình trao xe đạp cho học sinh nghèo tại xã Vụ Bổn.
Nhận thức được ý nghĩa to lớn của công tác an sinh xã hội, anh Giang thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời kêu gọi, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh trên địa bàn xã bằng những hoạt động cụ thể, ý nghĩa như: trao quà, dọn dẹp vệ sinh, tu sửa nhà cho  gia đình chính sách, neo đơn, hộ nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo… Năm 2015, khi đến dự Lễ khai giảng năm học mới tại điểm trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (buôn Ea Nông A), thấy điểm trường chỉ là dãy nhà với 3 phòng học đơn sơ, không có nhà vệ sinh, nước sạch để sử dụng, anh Giang chụp hình đăng lên mạng facebook để kêu gọi sự ủng hộ. Thật bất ngờ, Câu lạc bộ thiện nguyện Vòng tay yêu thương (Mạng lưới tình nguyện Tây Nguyên) phối hợp với Quỹ Vì yêu thương (TP. Hồ Chí Minh) liên hệ với anh Giang để hỗ trợ 75 triệu đồng xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh cho điểm trường trên.
 
Đến nay, anh Giang đã kêu gọi hỗ trợ được 3 công trình nước sạch và nhà vệ sinh, 2 công trình máy lọc nước cho các trường học tại địa phương với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. “Một câu chuyện cảm động mà tôi nhớ mãi, đó là cách đây 5 năm, tôi biết được hoàn cảnh khó khăn của em Nguyễn Thị Linh Giang (hiện là học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng). Em Giang là học sinh giỏi nhiều năm liền, mồ côi cha, hai mẹ con sống trong căn nhà tạm bợ. Trong thời gian ngắn kêu gọi, tôi nhận được 20 triệu đồng từ một mạnh thường quân xin giấu tên ở TP. Buôn Ma Thuột, 10 triệu đồng từ Trường THCS Ngô Mây, người dân thôn 7 (xã Vụ Bổn) đóng góp mỗi hộ 10 - 30 nghìn đồng, các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ gạch, đá…, Chi đoàn thôn góp ngày công lao động xây dựng nhà tặng mẹ con em Giang, giúp em yên tâm học tốt” - La Văn Giang tâm sự.
 
Không riêng trường hợp em học sinh Nguyễn Thị Linh Giang, từ năm 2014 đến nay anh Giang phối hợp với các trường học trên địa bàn khảo sát những trường hợp học sinh nghèo vượt khó học giỏi để kêu gọi mạnh thường quân, câu lạc bộ thiện nguyện trong và ngoài tỉnh trao học bổng cho khoảng 60 em học sinh (với mức học bổng 300 – 500 nghìn đồng/tháng/em). Với những đóng góp tích cực trong công tác xã hội, năm 2016 anh La Văn Giang vinh dự được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng Bằng khen “Cán bộ Đoàn, Hội, Đội tiêu biểu cụm Tây Nguyên giai đoạn 2015 – 2016”, và là một trong 72 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019.
 
Vàng A Hiệp - Trung Dũng - Thùy Dung

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.