Multimedia Đọc Báo in

"Cởi trói" cho y tế xã: vẫn chờ hướng dẫn!

11:30, 15/04/2019

Với quy định mới tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, các trạm y tế (TYT) xã sẽ được xóa bỏ “rào cản” khống chế tỷ lệ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được sử dụng dưới 20% như hiện tại, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và tăng cường y tế cơ sở.

Nhiều bất cập trong khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã

Hiện nay 100% TYT xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều thực hiện khám chữa bệnh BHYT, song các trạm đang gặp không ít khó khăn khi gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại tuyến y tế cơ sở chỉ bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh và 241 loại thuốc, quá ít so với nhu cầu của người dân. Không những thế, theo quy định tại Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014 của liên bộ Y tế - Tài chính, quỹ khám chữa bệnh BHYT giao cho trạm y tế quá thấp (không quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú) không đủ để chi cho khám chữa bệnh BHYT, dẫn đến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh. 

Có mặt tại TYT xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc, chúng tôi nhận thấy cả một buổi sáng nhưng chỉ có lác đác vài bệnh nhân đến khám bệnh. Hầu hết khám các bệnh thông thường, một vài trường hợp dù được chẩn đoán là bệnh viêm dạ dày, viêm phế quản phổi nhưng vẫn phải chỉ định chuyển tuyến chỉ bởi một lý do… không có thuốc điều trị. Bác sĩ Hồ Hữu Hải, Trạm trưởng TYT xã Hòa Tiến cho biết: “Mặc dù nhân lực, trang thiết bị (máy siêu âm, xét nghiệm) của trạm tương đối đầy đủ, song vẫn khó thu hút được bệnh nhân. Bởi, nguồn thuốc của TYT khống chế dưới 20% tổng chi phí tiền khám chữa bệnh, nên các thuốc dự trù phải ưu tiên cho các bệnh thông thường, dẫn đến tình trạng người dân đến khám bệnh tại trạm được chẩn đoán ra bệnh nhưng không có thuốc điều trị lại phải chuyển lên tuyến trên. Vài lần như vậy họ cũng nản nên không còn mặn mà với TYT xã nữa. Đặc biệt, từ khi có quy định thông tuyến, phần lớn người bệnh BHYT đều tìm ra tuyến huyện hoặc tuyến trên tương đương để khám chữa bệnh, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm giảm khoảng 70-80% so với trước. Chẳng hạn như năm 2015, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm là khoảng 8.000 lượt người/năm, nhưng đến năm 2018, con số này chỉ còn 1.446 lượt người”. 

Bệnh nhân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn).
Bệnh nhân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn).

Cùng ở trong tình cảnh tương tự, thời gian qua các y bác sĩ của TYT xã Cư Huê, huyện Ea Kar cũng “đau đầu” mỗi lần kê đơn thuốc cho người bệnh. Điều dưỡng Bùi Minh Công, Trạm trưởng TYT xã Cư Huê, chia sẻ: “Với mức khoán quỹ khám chữa bệnh BHYT dưới 20% cho tuyến xã, mỗi khi khám bệnh, bác sĩ của trạm chỉ xem xét kê thuốc nằm trong giới hạn cho phép nên đôi khi chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử như trường hợp một bệnh nhân được chẩn đoán có 2 bệnh hợp tác, nhưng khi cho thuốc bác sĩ chỉ xem xét kê thuốc cho bệnh chính chứ không dám cho hết khả năng đáp ứng bệnh vì sợ chi vượt quỹ. Điều này khiến cho niềm tin của người dân vào chuyên môn của cán bộ TYT xã không cao”. 

Chờ chính sách mới đi vào thực tiễn

Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT ra đời được xem như một giải pháp giải quyết những bất cập đang tồn tại của y tế xã. Theo nội dung của Nghị định này, thay vì khống chế tỷ lệ quỹ được sử dụng tại TYT là dưới 20% Quỹ khám chữa bệnh BHYT như lâu nay, thì bây giờ sẽ áp dụng cách tính mới, hiểu một cách đơn giản là thanh toán dựa theo nhu cầu sử dụng thực tế. 

Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc.
Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc.

Theo đánh giá của cơ quan Bảo hiểm xã hội, khi bỏ khống chế tỷ lệ sử dụng quỹ tại tuyến xã, các TYT có thể thực hiện đầy đủ chức trách, chuyên môn của mình và cung cấp dịch vụ cho người có thẻ BHYT theo đúng phạm vi quyền lợi cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp. Không những thế, chính sách tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ sẽ đồng bộ được nhiều chính sách khác nhau của Bộ Y tế, đơn cử như Thông tư 39/2017/TT-BYT ngày 18-10-2017 của Bộ Y tế về gói dịch vụ y tế cơ bản tuyến xã. Khi có danh mục thuốc và danh mục kỹ thuật đầy đủ tại TYT xã cộng với có cơ chế về tài chính hợp lý thì Thông tư này sẽ phát huy hiệu quả, vừa góp phần bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, vừa tăng cường năng lực cho y tế cơ sở. 

Có thể thấy, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ra đời có tác động không nhỏ đến việc thay đổi “bộ mặt” của y tế xã, bởi như lời bác sĩ Hồ Hữu Hải, Trạm trưởng TYT xã Hòa Tiến thì: “Nếu nguồn thuốc được dự trù theo nhu cầu sử dụng, không áp trần dưới 20% nữa thì dần dần người dân cũng sẽ quay lại khám chữa bệnh tại trạm, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian đi lại, vừa giảm tải cho tuyến trên”. 

Tuy nhiên, mặc dù Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã có hiệu lực được hơn 4 tháng (bắt đầu từ 1-12-2018), song đến nay ngành chức năng vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn thi hành, dẫn đến các TYT xã chưa thể áp dụng quy định mới. 

Theo điều dưỡng Bùi Minh Công, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cư Huê, huyện Ea Kar: không phải đắn đo, căn ke giữa thuốc này và thuốc kia mà chỉ tính đến hiệu quả để bệnh nhân mau khỏi bệnh, kê thuốc theo bệnh là điều mà mỗi y bác sĩ tuyến xã luôn mong muốn.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.