Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng lưu giữ vốn văn hóa truyền thống

14:53, 13/04/2019

Trước thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc dần bị mai một, quên lãng, nhiều nghệ nhân, thanh niên ở huyện Krông Búk đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Niềm hy vọng từ những đội chiêng trẻ

Mặc dù đội chiêng Kram ở buôn Drah 2, xã Cư Né toàn những chàng trai lứa tuổi thanh thiếu niên nhưng lại được các nghệ nhân đánh giá rất cao nhờ niềm đam mê cũng như nghệ thuật diễn tấu. Được thành lập từ năm 2004, đội chiêng có 7 thành viên từ 16 đến 30 tuổi. Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, cộng với sự nỗ lực, chịu khó tập luyện, đến nay các thành viên trong đội chiêng đã biểu diễn nhuần nhuyễn những bài truyền thống như: lễ mừng lúa mới, cúng sức khỏe… Bên cạnh đó, đội chiêng còn tham gia thi, trình diễn trong các lễ hội, sự kiện do huyện, tỉnh tổ chức và giành rất nhiều giải thưởng về cho địa phương.

Anh Y Vân Mlô (giữa) Đội trưởng đội chiêng Kram ở buôn Drah 2, xã Cư Né được các nghệ nhân hướng dẫn cách đánh chiêng.
Anh Y Vân Mlô (giữa) Đội trưởng đội chiêng Kram ở buôn Drah 2, xã Cư Né được các nghệ nhân hướng dẫn cách đánh chiêng.

Đáng ghi nhận là không chỉ cùng nhau tham gia biểu diễn vào các dịp lễ hội mà những lúc nông nhàn, các thành viên trong đội chiêng cũng thường tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn để luyện tập cách đánh chiêng sao cho thật chuẩn, thật nhuần nhuyễn. Ngoài ra, vào dịp nghỉ hè hằng năm, khi các lớp dạy cồng chiêng được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức, các thành viên trong đội chiêng cũng thường xuyên có mặt tại lớp học để truyền cảm hứng và giúp các nghệ nhân hướng dẫn học viên tập luyện.

Anh Y Vân Mlô, Đội trưởng đội chiêng Kram cho biết, để đánh được những bài chiêng hay, thu hút người xem, anh thường sưu tầm tài liệu hoặc khi tham gia các lễ hội thì chú ý lắng nghe, quay lại video để cùng các thành viên trong đội cùng học hỏi, luyện tập.

 

“Nhìn những thanh thiếu niên trong làng ngày càng trưởng thành và yêu mến văn hóa truyền thống của dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh và cảm hứng để tôi tiếp tục giữ hồn chiêng và tìm kiếm đội ngũ kế thừa”.

 
 
Nghệ nhân đánh chiêng Y Môi Mlô ở buôn Drah 2, xã Cư Né (huyện Krông Búk)

Ngoài đội chiêng Kram của buôn Drah 2, xã Cư Né, hiện nay trên địa bàn huyện Krông Búk còn có 3 đội chiêng lứa tuổi thanh thiếu niên tập trung ở các xã Ea Sin, Cư Kbô. Trong quá trình tập luyện, các đội chiêng thường xuyên được giao lưu học hỏi kinh nghiệm và thể hiện khả năng của mình trong các hội thi, hội diễn văn nghệ như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng; Lễ cúng mừng sức khỏe; Lễ cúng bến nước; Buôn vui chơi, buôn ca hát… 

Miệt mài giữ “lửa” nghề dệt

Dẫu đã 80 tuổi nhưng bà H’Prak Niê ở buôn Mùi 2, xã Cư Né vẫn ngày ngày ngôi bên khung cửi để dệt những tấm vải mình yêu thích và kiếm thêm thu nhập. Từ thuở bé, bà H’Prak đã được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu để dệt những sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình như: khăn, địu, chăn, váy, áo… Mặc dù thu nhập từ việc bán các sản phẩm dệt không nhiều, số người duy trì theo nghề nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhưng bà H’Prak vẫn quyết không bỏ nghề. Để văn hóa truyền thống không bị mai một, bà H’Prak đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để răn dạy, truyền nghề cho con cháu trong buôn. Bà có cách lôi kéo đám trẻ rất tài tình, đó là vừa say sưa, tỉ mỉ chỉ dạy từng công đoạn, chi tiết nhỏ vừa truyền đạt kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế... nên nhiều thiếu nữ 17-18 tuổi ở buôn  rất hứng thú.

Bà H’Prak Niê ở buôn Mùi 2, xã Cư Né hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho em gái.
Bà H’Prak Niê ở buôn Mùi 2, xã Cư Né hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho em gái.

Tương tự, bà H’Mư Niê ở buôn Mùi 1, xã Cư Né cũng đang ra sức truyền dạy nghề dệt thể cẩm cho các chị em trong buôn, đồng thời vận động bà con lối xóm giữ gìn nét văn hóa vốn có của dân tộc mình. Ngoài những sản phẩm dệt truyền thống, bà còn không ngừng học hỏi, cải tiến mẫu mã, hoa văn để sáng tạo ra các mẫu túi sách, ba lô, ví… Bà H’Mư tâm sự: “Trước đây, dệt một chiếc áo của nữ phải mất từ 15 ngày đến vài tháng vì phải kéo sợi bằng bông và nhuộm chỉ từ rễ, lá cây. Ngày nay, ngoài khung cửi phải tự làm thì ra chợ mua loại chỉ nào cũng có, màu sắc lại đa dạng nên việc dệt thổ cẩm cũng nhanh hơn nhiều”.

Nhờ tình yêu văn hóa truyền thống và sự dìu dắt của bà H’Mư, H’Prak mà những khung cửi bị lãng quên nhiều năm nay của người Êđê ở xã Cư Né đã bắt đầu "sống" lại. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, những người phụ nữ nơi đây lại quây quần bên nhau dệt các vật dụng, áo quần cho chồng, con trong tiếng cười rộn rã...

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.