Multimedia Đọc Báo in

Bắt hến ở hồ Ea Kao mùa nước cạn

07:51, 05/05/2019

Hằng năm, cứ vào mùa nước cạn, người dân quanh vùng lại tìm đến khu vực hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) để bắt hến. Mỗi ngày, có hàng chục người trầm mình dưới nước mò hến để cải thiện bữa ăn gia đình hay hy vọng có thêm thu nhập.

Đến hồ Ea Kao vào mùa nước cạn, dễ thấy khung cảnh mọi người từ già, trẻ, gái, trai đang tất bật, hì hục khom lưng bắt hến dưới hồ. Tiếng nói chuyện, cười đùa huyên náo, tiếng đãi hến, sóng vỗ tạo nên một bản hòa âm hết sức náo nhiệt. Theo những người dân sinh sống tại đây thì hến ở hồ Ea Kao có quanh năm nhưng rộ mùa nhất là vào khoảng tháng 3, tháng 4. Đây là thời điểm nước hồ cạn, hến qua một mùa mưa đã sinh sôi nảy nở rất nhiều và nằm ẩn dưới các lớp bùn ven hồ. Người dân ở đây chủ yếu bắt hến thủ công bằng tay hoặc dùng rổ xúc nên chỉ bắt gần bờ trong khoảng vài tháng.

Người dân bắt hến trên hồ Ea Kao.
Người dân bắt hến trên hồ Ea Kao.

Chị Bùi Thị Mai, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hằng năm mỗi khi hồ Ea Kao vào mùa nước cạn, gia đình chị lại cùng nhau đến đây bắt hến về chế biến thành những món ăn đơn giản, giải nhiệt mùa nắng nóng như: cháo hến, hến xào xúc bánh tráng, canh hến… Theo chị, nên đi bắt hến vào sáng sớm vì đây là lúc hến trồi khỏi lớp bùn để đi kiếm ăn; nên có hai người, một người cào, một người đãi sẽ bắt được nhiều và nhanh hơn từng người tự bắt.

Trong số những người bắt hến ở hồ Ea Kao, có không ít người coi việc bắt hến là một công việc mưu sinh của mình. Vừa lội từ dưới hồ lên, mang bộ quần áo ướt sũng, thấm vị tanh nồng của bùn, anh Lê Văn Vương (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự, làm cà phê vất vả, nhiều khi không đủ trang trải cuộc sống nên anh tranh thủ mùa nước cạn đi bắt hến bán kiếm thêm tiền sinh hoạt. Mỗi ngày chịu khó anh bắt được tầm khoảng 30 kg hến, mang ra chợ bán cho các thương lái hoặc gửi sang Đắk Nông bán cũng kiếm được khoảng 200.000 – 300.000 đồng/ngày.

Anh Vương chia sẻ, bắt hến nhìn tưởng đơn giản nhưng cũng rất cực. Muốn bắt nhiều phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dễ bị nấm ngứa, đau lưng, thấp khớp. Nếu lỡ gặp mảnh chai hay vật sắc nhọn có thể bị đâm, cào rách da. Tuy vậy, đây là nghề “tiền tươi thóc thật”, không phải bỏ vốn nên nhiều người như anh Vương vẫn chịu khó mò hến miệt mài vào mùa nước cạn để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Người dân bắt hến trên hồ Ea Kao.
Người dân bắt hến trên hồ Ea Kao.

Không chỉ người dân tại TP. Buôn Ma Thuột, rất nhiều người ở các huyện trong tỉnh và cả tỉnh khác cũng đến hồ Ea Kao mùa này để đãi hến. Như anh Nông Văn Tiến (ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cùng hơn 10 người nữa trong làng rủ nhau sang Đắk Lắk chơi và tranh thủ xuống hồ Ea Kao bắt ít hến, trai về nấu ăn, nếu bắt được nhiều thì đem bán kiếm chút tiền. Hì hụi mấy tiếng đồng hồ, mỗi người trong nhóm của anh Tiến cũng bắt được hơn chục ký hến.

Với diện tích gần 300 ha, không chỉ phục vụ tưới tiêu của bà con quanh vùng, hồ Ea Kao còn có nguồn lợi thủy sản phong phú, trong đó loài hến hồ Ea Kao được bà con hay gọi là “lộc trời”, vì chúng sinh sôi tự nhiên và hết sức dồi dào.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.