Multimedia Đọc Báo in

Công phu nghề làm lồng chim cảnh

08:15, 15/06/2019

Chơi chim cảnh đang trở thành phong trào rộng khắp trong tỉnh. Một món đồ không thể thiếu đối với người chơi chim cảnh là lồng chim. Khi đã đam mê người chơi không chỉ sưu tầm những chú chim quý mà còn muốn có được một chiếc lồng chim ưng ý. Đáp ứng nhu cầu của người chơi chim, nhiều cơ sở ở TP. Buôn Ma Thuột ra đời; trong đó, cơ sở của anh Lê Văn Đức ở khối 6, phường Tân An được nhiều người chơi chim biết đến.

Bén duyên với nghề làm lồng chim đã 5 năm nay, vốn là người rất yêu chim chào mào nên lúc đầu anh Đức chỉ nghĩ mình làm lồng chim để chơi. Những chiếc lồng chim do anh làm rất đẹp và chắc chắn, luôn nổi bật trong các hội thi chim chào mào, từ đó nhiều người chơi chim cảnh biết tiếng tìm đến anh Đức đặt hàng.

Anh Đức đang hoàn chỉnh một chiếc lồng chim.
Anh Đức đang hoàn chỉnh một chiếc lồng chim.

Anh Đức chuyên làm lồng chim chào mào. Theo anh chia sẻ, làm lồng chim có hai loại: làm lồng thường và lồng kỹ. Điểm đặc biệt, những chiếc lồng chim do anh làm có nguyên liệu chủ yếu là các loại gỗ quý, có giá trị như: cẩm sừng, trắc, mít… Nhờ vậy, những chiếc lồng chim do anh Đức làm ra luôn chắc chắn, trông rất bắt mắt, sáng bóng. Bên cạnh đó, anh Đức còn tự thiết kế những chi tiết độc đáo cho chiếc lồng chim như: Hộc chim, chốt hộc, tay cầm lồng chim phía dưới và vành lồng, chân quỳ bằng gỗ bền đẹp.

Anh Đức chia sẻ, việc làm lồng chim thường được chia theo nhiều công đoạn khác nhau như: phơi, ngâm, luộc, hun tre, gỗ, quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh, cửa, cầu, ráp lồng. Nguyên liệu chính để làm lồng chim là tre, trúc có đặc tính dẻo dai, bền. Nan có thể uốn cong bằng nhiệt, sử dụng nước nóng hoặc hơ lửa, nhưng cách thường dùng nhất là luộc bằng nước nóng... Sau khi hoàn thành tất cả các công đoạn dựng khung, tạo hình, lồng chim còn được gia công tăng độ bền bằng cách hun khói, hoặc quét dầu, sơn PU… Nếu hun khói phải hun bằng rơm, rạ liên tục trong khoảng 10 - 12 giờ cho đến khi lồng chim chuyển sang màu vàng rơm hoặc cánh gián mới đạt tiêu chuẩn.

Anh Đức làm lồng chim cho những người có cùng đam mê, thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người chơi bằng những sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý. Khách hàng của anh chủ yếu là các bạn trẻ, những người thích có lồng chim vừa đẹp vừa hữu dụng để nuôi chim hằng ngày, có thể treo trong nhà, lại cũng thuận tiện để mang đến các “trường chim” đấu hót. Bằng sự đam mê, miệt mài với công việc, trung bình mỗi tháng anh Đức sản xuất hơn 10 chiếc lồng chim (bình quân mỗi chiếc lồng chim hoàn thiện phải mất 3 ngày mới xong).

Hiện tại, sản phẩm của anh Đức không chỉ được nhiều người chơi trong tỉnh biết đến mà có cả những khách hàng từ các tỉnh thành như: Gia Lai, Đà Lạt, Bình Dương, Kon Tum và một số tỉnh phía Bắc. Giá một chiếc lồng chim chất liệu thường có giá chỉ 350.000 đồng, lồng chim có nguyên liệu gỗ tốt thì giá khoảng 900.000 đồng đến 3 - 4 triệu đồng. Nếu tính ngày công thì mỗi ngày anh Đức có thu nhập chỉ khoảng 300 nghìn đồng. Thu nhập chưa cao, lại bỏ ra nhiều công sức trau chuốt cho sản phẩm của mình song với anh Đức, nghề làm lồng chim không chỉ là phương kế mưu sinh chính đáng mà còn để thỏa mãn niềm đam mê, góp phần làm đẹp cho cuộc sống.

Đoàn Văn Hân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.