Multimedia Đọc Báo in

Sinh đông con - buôn nghèo càng thêm "khó"

09:36, 11/07/2019

Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng nhiều năm qua, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở buôn Kpung và buôn Cư Knao – hai buôn đặc biệt khó khăn của xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) vẫn tiếp diễn và trở thành vấn đề nhức nhối. Thực trạng này khiến cuộc sống của nhiều gia đình càng thêm khó khăn.

Năm nay mới 36 tuổi nhưng chị H’Blom Byă ở buôn Cư Knao đã có 7 người con, đứa lớn mới 14 tuổi đã nghỉ học từ lâu để đi làm cùng bố kiếm cái ăn cho cả nhà, đứa nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi. Gia đình chị H’Blom chỉ có 1 sào ruộng nhưng vì không có vốn đầu tư, canh tác phụ thuộc vào trời, năm được năm mất nên không đủ gạo ăn. Chồng chị phải đi phụ hồ, làm thuê đủ thứ việc. Chị thì quanh quẩn ở nhà hết sinh nở lại chăm con nhỏ, lo việc nội trợ. Căn nhà cấp 4 rộng chỉ chừng vài chục mét vuông, bên trong chẳng có gì đáng giá nhưng lại có đến 9 người sống chen chúc. Hỏi về vấn đề kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chị H’Blom cho hay: “Cộng tác viên dân số của buôn có đến tuyên truyền, vận động nhưng mình nhất quyết không đặt vòng vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Cán bộ dân số xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) tuyên truyền, hướng dẫn chị H'Đôn Bdap ở buôn Kpung sử dụng các biện pháp tránh thai.
Cán bộ dân số xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) tuyên truyền, hướng dẫn chị H'Đôn Bdap ở buôn Kpung sử dụng các biện pháp tránh thai.

Tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày khiến cuộc sống khó khăn cũng diễn ra tương tự ở buôn Kpung. Gia đình chị H’Đôn Bdap có 9 người con, trong đó chỉ có 3 đứa đi học đến lớp 2, lớp 3 rồi bỏ học, những đứa còn lại đều không được đến trường. Đông con khiến cuộc sống của gia đình chị H’Đôn ngày càng thêm túng thiếu. Đất canh tác ít, chồng chị đi làm thuê khắp nơi đong gạo ăn từng bữa. Căn nhà gia đình chị đang ở cũng được Nhà nước xây cho. Cuộc sống khó khăn, cái nghèo mãi đeo bám, cộng thêm lối suy nghĩ sinh nở phải thuận theo tự nhiên nên không biết đến bao giờ gia đình chị và nhiều hộ khác trong buôn mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.

Chị H’Nam Bdap, cộng tác viên dân số buôn Kpung cho hay, hiểu biết của bà con còn hạn chế nên ngại sử dụng các biện pháp tránh thai. Cán bộ dân số đến tuyên truyền, vận động họ không muốn tiếp chuyện. Hơn 200 hộ trong buôn đều đẻ từ 3 con trở lên, hộ nhiều nhất có đến 11 người con.

Trước tình trạng đó, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, ban tự quản các thôn, buôn tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách về dân số - KHHGĐ. Ban Dân số - KHHGĐ xã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, sinh hoạt nhóm, cung cấp tờ rơi, tư vấn tại hộ gia đình, lồng ghép tuyên truyền trong các chiến dịch ra quân chăm sóc sức khỏe sinh sản, các ngày lễ 8-3, 20-10, cấp phát đầy đủ các phương tiện tránh thai, vận động triệt sản… nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho người dân về KHHGĐ, nhất là ở hai buôn đồng bào DTTS tại chỗ. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn.

Chị H'Blom Byă ở buôn Cư Knao được cán bộ dân số xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ.
Chị H'Blom Byă ở buôn Cư Knao được cán bộ dân số xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ.

Theo bà Vũ Thị Bình Nguyên, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Hiệp, buôn Cư Knao và buôn Kpung có địa bàn rộng, nhiều đồi núi dốc với gần 450 hộ sinh sống khiến công tác tuyên truyền, vận động của 3 cộng tác viên dân số gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, phụ cấp của cộng tác viên dân số chỉ có 100.000 đồng/người/tháng nên họ chưa gắn bó, tận tâm với công việc. Hơn nữa, nhiều người dân không phối hợp thực hiện các biện pháp tránh thai và vẫn còn quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “đông con hơn nhiều của”...

Theo thống kê của Ban Dân số - KHHGĐ xã Hòa Hiệp, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn xã có 72 trẻ mới sinh, trong đó có 9 trẻ là con thứ 3 trở lên; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 12,5%, chủ yếu tập trung ở hai buôn Cư Knao và Kpung.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.