Multimedia Đọc Báo in

Tình yêu của hai người lính

08:19, 07/07/2019

Người dân phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) ai cũng khâm phục sự đảm đang của bà Đỗ Thị Loan (đường Nguyễn Viết Xuân) một mình chăm sóc chu đáo người chồng mắc bệnh hiểm nghèo nằm liệt giường suốt chục năm qua.

Chồng bà là Đại tá Nguyễn Ngọc Miên, nguyên là Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Ít ai biết rằng cả ông Miên và bà Loan đều là hai người lính trở về từ chiến trường đầy bom đạn. Chuyện tình của ông bà đẹp như cổ tích.

Sau hơn 4 năm phục vụ chiến đấu ở Quân khu 4, cuối năm 1975, bà Đỗ Thị Loan xuất ngũ trở về quê ở làng An Nghiệp, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương). Dù gia đình mai mối cho nhiều đám trai làng nhưng bà vẫn chưa ưng ai. Đúng dịp đó, ông Miên đang công tác tại Tỉnh đội Đắk Lắk được đơn vị đưa ra Bắc điều trị vết thương rồi cho về quê nghỉ phép. Vốn là người cùng làng, ông Miên, bà Loan được họ hàng hai bên chắp mối. Hai người lính cùng trở về từ chiến trường trò chuyện tâm đầu ý hợp. Tình yêu nảy nở, hai người đã tìm thấy một nửa của đời mình. Họ báo cáo với gia đình và đám cưới nhanh chóng được tổ chức vào những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ phép.

Sau khi nên duyên vợ chồng, ông Miên lại lên đường vào đơn vị công tác xa nhà biền biệt, mỗi năm chỉ nghỉ phép về thăm nhà một lần. Tuy đất nước đã giải phóng nhưng tình hình trên địa bàn Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp. Ông Miên cùng đồng đội vẫn phải chiến đấu với các thế lực ở giáp biên giới như quân Khơ me đỏ, Fulrô… Để chồng yên tâm công tác, bà Loan nuôi con, chu toàn mọi việc trong nhà.

Đến cuối năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, ông Miên đón vợ con vào Đắk Lắk sinh sống. Bà Loan xin vào làm nhân viên hành chính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông bà bắt tay xây dựng cuộc sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Không đất, không vốn, ông Miên mượn đất của đơn vị dựng tạm căn nhà lá cho vợ con ở. Dẫu cuộc sống khó khăn song hai ông bà luôn vui vẻ, hạnh phúc. Cứ xong công việc cơ quan, đơn vị, hai người lại tất tả về nhà cùng lo cho tổ ấm nhỏ. Cả hai cùng nỗ lực vun vén, bù đắp những thiếu thốn tình cảm trong thời gian xa cách. Cả ba người con của ông Miên, bà Loan đều chăm chỉ học hành,  lần lượt tốt nghiệp đại học rồi học lên cao học. Ra trường, họ đều công tác và lập gia đình tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Loan tần tảo chăm sóc chồng chu đáo suốt 15 năm qua.
Bà Loan tần tảo chăm sóc chồng chu đáo suốt 15 năm qua.

Năm 2000, sau 35 năm trong quân ngũ, ông Miên về nghỉ hưu theo chế độ. Bà Loan vẫn công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cuối tuần vợ chồng ông cùng nhau làm thêm nương rẫy. Cuộc sống tưởng chừng cứ vậy êm đẹp trôi đi thì đến đầu năm 2004, ông Miên cảm thấy mệt mỏi trong người, trí nhớ giảm sút. Bác sĩ kết luận ông bị bệnh teo não. Dù điều trị nhiều nơi, bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Dần dần ông Miên mất hết trí nhớ, không kiểm soát được những hành động của mình, nằm liệt một chỗ. Các con đều làm việc ở xa, một mình bà Loan chăm sóc chồng bệnh. Bà còn tích cực tham gia sinh hoạt Chi bộ, Hội Cựu chiến binh ở địa phương, hội viên ai gặp có hoàn cảnh khó khăn bà đều tận tình giúp đỡ.

Cứ vậy, suốt 15 năm qua, bà Loan vẫn tần tảo chăm sóc chu đáo chồng. Dù nhà có người bệnh nằm liệt giường nhưng ngôi nhà nhỏ luôn sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát. Ông Miên nằm liệt trên giường nhưng trông vẫn mập mạp, da dẻ hồng hào. Bà Loan bộc bạch: “Một mình tôi già yếu chăm sóc chồng bệnh tuy vất vả nhưng thấm vào đâu so với những năm chiến tranh bom đạn ác liệt, ăn uống không đủ, cận kề giữa sự sống và cái chết. Dù ở hoàn cảnh nào thì người lính chúng tôi vẫn vui vẻ lạc quan, tin tưởng ở ngày mai tươi sáng. Vợ chồng gặp nhau bởi cái duyên, nên tôi luôn tự nhủ và dặn các con phải tận hiếu với cha, bù đắp cho ông ấy suốt thời gian hơn chục năm ở chiến trường vất vả thiếu thốn”.

Vừa trò chuyện với khách, bà Loan tranh thủ xoa bóp tay chân cho chồng. Nhìn ánh mắt âu yếm và đôi bàn tay nhẹ nhàng dịu dàng chăm sóc chồng, ai cũng cảm nhận được tình yêu thương chồng hết lòng hết dạ của bà Loan. Tình yêu của hai người lính bước ra từ chiến tranh dường như lúc nào cũng mãnh liệt, da diết và nồng cháy như thế…

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.